Trẻ em là đối tượng rất dễ bị bỏng vì bản tính hiếu động, tò mò. Ngay từ khi biết di chuyển trẻ đã thích được cầm, nắm những đồ vật xung quanh để tìm hiểu, khám phá cuộc sống. Sự hiếu động của trẻ cộng với sự bất cẩn của người lớn dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn bỏng ở trẻ cao hơn.
Những loại bỏng thường gặp
Nghiên cứu đánh giá thực trạng tai nạn bỏng trẻ em tại khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội trong 5 năm (2010-2014) cho thấy bỏng ở trẻ em chiếm hơn một nửa tổng số bệnh nhân bỏng (52,09%). Bỏng là một trong những tai nạn rất nguy hiểm đối với trẻ em. Bỏng không những gây đau đớn, việc chữa trị phức tạp, lâu dài, tốn kém mà bỏng còn để lại nhiều di chứng nặng nề như sẹo, co kéo cơ, tàn phế suốt đời, thậm chí khiến trẻ tử vong.
Bỏng nhiệt ướt: bỏng do nước sôi, nồi canh sôi…là nguyên nhân chủ yếu. Tai nạn thường xảy ra khi phích nước sôi, đồ ăn nóng để ở trong tầm với hoặc lối đi của trẻ. Tai nạn còn xảy ra khi trẻ nấu ăn giúp bố mẹ.
Bỏng nhiệt khô: bàn là, ống bô xe máy, lửa, hơi…thường do người lớn để bất cẩn hoặc trẻ nghịch ngợm đốt lửa sưởi, rơm rạ, đánh đổ xăng dầu gây bắt lửa.
Bỏng hóa chất: bỏng do vôi tôi, bỏng do axid, kiềm, sử dụng nhầm acid.
Phòng tránh bỏng ở trẻ em
Để ngăn ngừa bỏng ở trẻ em, người lớn cần biết những điểm nguy hiểm tiềm tàng trong căn nhà mình. Phòng bếp, phòng tắm và phòng khách là những căn phòng trẻ dành nhiều thời gian sinh hoạt và cũng là nơi có nhiều cơ hội hơn để trẻ tiếp xúc với vật nóng dễ gây bỏng.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, luôn trông chừng trẻ mọi lúc, mọi nơi là cách tốt nhất để phòng tránh tất cả các loại bỏng cho trẻ. Khi bé đủ lớn để hiểu, hãy dạy cho bé biết từ “nóng” và giải thích rằng cần phải tránh xa. Bên cạnh đó, bạn cũng cần làm theo các bước sau để giữ cho trẻ an toàn:
Cách ly trẻ khỏi những vật dễ gây bỏng
Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, ống bô xe máy nóng, diêm, bật lửa, ga, xăng, cồn đèn, chai lọ đựng hóa chất tẩy rửa, acid,…ở nơi trẻ không thể sờ hoặc với tới như để trên giá cao, trong tủ có khóa an toàn.
Bố trí bếp và nơi nấu ăn hợp lý
Đặt bếp ở trên nền phẳng, cao để trẻ không với tới hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần; Không bế, ẵm trẻ khi đang nấu ăn hoặc đang cầm đồ vật nóng; Khi nấu ăn luôn quay tay cầm, cán xoong chảo vào phía trong; Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu luôn quan sát tránh xa trẻ để tránh va đụng.
Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ sử dụng; Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ, không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh
Hãy chắc chắn bạn đã được trang bị kiến thức về sơ cứu bỏng để giảm hậu quả cho trẻ trong trường hợp tai nạn xảy ra.
ThS.Trần Thị Bích Thuỷ - Theo SK & ĐS
|