Quá trình mang thai và sinh nở luôn đem đến những “phiền toái”, thậm chí là cả những rủi ro. Vì vậy, bạn cần nhận biết được những “kẻ thù” dưới đây, để có thể bảo vệ và phát huy được khả năng sinh sản của mình.
Tuổi tác
Nhìn từ quy luật sinh lý của nữ giới, khả năng sinh sản mạnh nhất là từ 20 - 24 tuổi. Sau tuổi 30, khả năng này sẽ giảm dần, giảm nhanh chóng sau tuổi 35 và khoàng 87% mất đi khả năng thụ thai sau tuổi 44.
Trứng giống như người bạn đồng hành của phụ nữ ngay từ lúc mới sinh. Tuổi tác, cách sinh hoạt, môi trường sống đều ảnh hưởng đến chất lượng của trứng. Tuổi càng lớn thì số lượng trứng có khả năng sinh dục bình thường càng ít đi. Ở giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở nên ngắn hơn và không theo quy luật, nội mạc tử cung sẽ ngày càng mỏng và không thích hợp cho quá trình thụ tinh, chất dịch tiết ra từ âm đạo cũng kém đi và tinh trùng sẽ gặp khó khăn để đi vào bên trong. Ngoài ra, khi tuổi càng cao, mức độ sức khỏe tổng thể của nữ giới cũng sẽ đi xuống, một số bệnh phụ khoa có thể làm tổn hại cơ quan sinh dục, dẫn đến không thể mang thai. Đặc biệt, phụ nữ trên 35 tuổi càng dễ mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, thận…, khiến cho thai nhi sinh trưởng phát dục bị trì trệ, hoặc thai chết lưu, sảy thai tăng cao.
Béo phì
Béo phì phá hoại nội tiết của nữ giới, làm tắc nghẽn việc rụng trứng và gây ra các vấn đề về sức khỏe khác như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Những bệnh này có khả năng khiến cho chị em bị vô sinh, hoặc phát bệnh trong quá trình mang thai. Những người béo phì mang các bệnh này, dù thụ tinh nhân tạo thì tỷ lệ thành công cũng rất thấp.
Giảm cân “mù quáng”
Ngày nay, việc giảm cân gần như không thể thiếu của nhiều chị em. Tuy nhiên, nếu giảm cân quá mức và không hợp lý, có thể dẫn đến rối loạn nội tiết tố, mất cân bằng chu kỳ kinh nguyệt, dẫn đến bị ách tắc rụng trứng. Việc nhịn ăn quá mức khiến cho cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng, các nguyên tố vi lượng bị thiếu trầm trọng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Đặc biệt với phụ nữ trên 30 tuổi, khả năng làm mẹ vốn đã giảm thấp thì càng phải thận trọng khi giảm cân.
Phá thai
Các bác sĩ phát hiện, số lần phá thai tỷ lệ thuận với hậu quả mất đi khả năng mang thai. Phá thai nhiều lần khiến cho vùng phụ cận khoang chậu bị viêm nhiễm, tắc ống dẫn trứng và dẫn đến vô sinh. Ngoài ra, nó còn khiến nội mạc tử cung trở nên mỏng hơn. Do vậy khi mang thai, phôi thai giống như ngọn cỏ trong sa mạc, không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, nên sinh trưởng kém hoặc sảy thai.
Viêm nhiễm cơ quan sinh dục
Viêm âm đạo khiến huyết trắng ra nhiều, cản trở hoạt động và “sức sống” của tinh trùng. Viêm cổ tử cung làm môi trường bên trong bị biến đổi, gây bất lợi khi tinh trùng đi qua, dẫn đến không thể thụ thai. Viêm vùng chậu nếu không điều trị kịp thời và triệt để cũng có thể gây vô sinh hoặc mang thai ngoài tử cung.
Sinh hoạt tình dục không tốt
Lúc còn trẻ, nhiều phụ nữ sinh hoạt tình dục kém vệ sinh, quan hệ bừa bãi, bị mắc bệnh viêm nhiễm. Quan hệ giữa ‘chu kỳ” càng dễ khiến vi khuẩn và máu huyết thông qua cổ tử cung đi vào khoang chậu, gây viêm nhiễm. Nghiêm trọng hơn, nếu máu kinh ứ đọng trong khoang chậu sẽ gây ra chứng lạc nội mạc tử cung. Những vấn đề này đều là “sát thủ” đánh bại khả năng sinh sản.
Chất hóa học có hại
Những độc tố trong chất hóa học sẽ phá hoại tế bào trứng, làm rối loạn nội tiết. Một số chất được dùng chống ẩm mốc, diệt khuẩn không những có độc tính với gan thận, hệ miễn dịch, cơ quan sinh dục, mà còn dẫn đến chứng vô sinh, nhất là ở nữ giới.
Các chất kích thích
Phụ nữ thường uống rượu càng giảm khả năng làm mẹ rõ rệt. Rượu làm cản trở sự hấp thu dưỡng chất, giảm hàm lượng kẽm trong cơ thể - nhân tố cơ bản của khả năng sinh sản. Dù mỗi ngày chỉ uống 1 - 2 ly café thì lượng cafein cũng làm giảm khả năng mang thai đến 50%. Nước ngọt cũng tác hại tương tự như vậy.
Áp lực tinh thần quá lớn
Môi trường thay đổi, tâm trạng dao động, bị áp lực lớn trong thời gian dài sẽ dễ làm rối loạn nội tiết, kinh nguyệt không đều, thậm chí là tắc kinh, không thể rụng trứng. Các tình trạng này khiến việc mang thaicàng khó khăn hơn. Vì vậy, bạn nên học cách giải tỏa áp lực để bảo vệ chức năng làm mẹ của mình.
Theo SK & ĐS
|