Suy dinh dưỡng là bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là những vùng khó khăn, mức sống thấp, dinh dưỡng thiếu thốn. Bệnh thuộc các “chứng cam”. Nguyên nhân thường do tiên thiên bất túc, thận khí suy tổn gây ra, bệnh do khí huyết của cha mẹ thiếu kém, thai nhi không được khoẻ mạnh, sau sinh ra, việc chăm sóc, nuôi dưỡng thiếu đầy đủ hoặc không hợp lý, dinh dưỡng lúc thiếu, lúc thừa làm trở ngại cho việc tiêu hoá, hấp thu, dưỡng chất cho cơ thể thiếu thốn, lâu ngày làm tổn thương đến tạng phủ mà sinh ra bệnh. Trên lâm sàng biểu hiện trẻ thường hâm hấp sốt, ra mồ hôi trộm, thúng thắng ho, mặt xanh, da vàng, kém ăn, ít ngủ, bứt dứt, bồn chồn hay quấy khóc, đại tiện táo như phân dê hoặc đi lỏng, sống phân.
Để chữa trị có thể dùng một số bài thuốc sau:
Bài 1: Trẻ gầy yếu, kém ăn, da vàng, bụng ỏng, đi ỉa lỏng dùng nhục đậu khấu 60g, sử quân tử 120g, hồ hoàng liên 120g, thần khúc 120g, mạch nha 60g, binh lang 60g, mộc hương 24g. Tán nhỏ hoàn với mật luyện thành viên 4g. Cho trẻ uống 1-2 viên, ngày 2 lần.
Bài 2: Trường hợp trẻ gầy còm, trướng bụng, kém ăn, đại tiểu tiện không thông lợi, thuộc chứng cam tích cần tăng cường sự vận hoá của tỳ, vị dùng bạch truật, trần bì, thần khúc, mạch nha, sa tiền tử, ý dĩ nhân, hoài sơn, phục linh, trạch tả lượng bằng nhau, sao vàng, tán thành bột. Trẻ trên 3 tuổi uống ngày 2 lần, mỗi lần 3-6g với nước chín, trẻ dưới 3 tuổi liều lượng giảm đi.
Bài 3: Nếu trẻ đi tiểu ít, sắc vàng, bụng nổi gân xanh, trướng đầy, thực chứng, cần phải tiêu cam tích, điều hoà tỳ vị, dùng tam lăng (nướng), thịt cóc (đùi) nướng khô, trần bì, hồ hoàng liên, phật thủ, lai bạc tử (sao), nga truật (nướng), thanh bì (sao), mộc hương, ngũ cốc trùng (sao giấm), tiêu sơn tra đồng lượng làm thành thuốc bột, cho trẻ uống mỗi lần 6-9g, ngày 2 lần. Trẻ nhỏ hơn 3 tuổi phải giảm liều.
Bài 4: Trẻ bụng to, đầy bụng, đại tiện khô hoặc nhão hoặc ỉa chảy do ăn uống, phải thanh nhiệt, khơi thông tích trệ, ôn trung, hoá trệ, tiêu cam, lý tỳ, dùng tiêu sơn tra 120g, tiêu binh lang 30g, đại hoàng 90g, bào khương 20g. Tán thành bột. Cho trẻ uống 1-2g ngày 2 lần, trẻ dưới 3 tuổi giảm liều.
Bài 5: Nếu trẻ đau bụng, phiền táo đi tiểu bí bách phải trừ trướng bụng, sát trùng, khai vị dùng phục linh 30g, hồ hoàng liên 16g, quất bì 18g, đào nhân 10g, sử quân tử 60g, đại hoàng 18g, thần khúc 30g, kê nội kim (sao) 6g, nga truật 15g. Tam lăng 15g, lô hội 24g, mộc hương 10g, tán thành bột hoàn viên với mật luyện mỗi hoàn 0,6g. Dưới 1 tuổi uống 1 viên, 1- dưới 3 tuổi uống 1,5 viên, từ 3 - 5 tuổi uống 2 viên, 2 lần trong ngày.
Bài 6: Trẻ bị cam tích lâu ngày, thể trạng suy kém cần vừa tiêu, vừa bổ dùng phòng đảng sâm (sao gạo), bạch truật (sao hoàng thổ), phục linh, trần bì, tam lăng (nướng), cam thảo, thanh bì (sao), thần khúc, nga truật (nướng). Lượng bằng nhau làm thành thuốc bột, uống mỗi lần 10g, ngày 2 lần.
DSCKI. Phạm Hinh- Theo báo SK&ĐS
|