Thời tiết chuyển mùa là lúc trẻ dễ bị bệnh tấn công, nên cha mẹ cần chăm sóc bé đúng cách. Ảnh minh họa: internet
1. Ưu tiên vấn đề vệ sinh cá nhân
Phải đảm bảo việc vệ sinh khi chăm sóc trẻ, đặc biệt là đối với người tiếp xúc với trẻ hàng ngày. Không chỉ giữ cho tay bé luôn sạch sẽ, mà còn phải nhắc nhở các thành viên trong gia đình rửa tay trước khi chơi đùa với trẻ nhằm hạn chế sự lây nhiễm vi khuẩn từ người lớn. Ngoài ra, cần chú ý cắt móng tay, buộc tóc gọn gàng và vệ sinh đồ chơi của con bạn thường xuyên.
2. Rèn luyện thói quen tắm rửa mỗi ngày
Nên tập cho bé có thói quen tắm rửa, vệ sinh cơ thể hàng ngày. Khi tắm, cần đóng kín các cửa để hạn chế gió lùa, khiến trẻ bị lạnh khi da đang ướt. Không nên tắm cho bé vào lúc chiều tối hoặc ban đêm mà nên chọn thời điểm có nắng ấm, tốt nhất là vào buổi sáng muộn, khi cơ thể của trẻ đã ấm hơn.
Sau khi tắm xong, không nên bế trẻ vào ngay trong phòng có bật điều hòa hoặc đang mở cửa vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây hại cho bé. Trên thực tế, nếu muốn đưa trẻ vào phòng đang bật điều hòa, bạn nên chờ ít nhất 1 tiếng sau khi tắm. Ngoài ra, cần đảm bảo cho trẻ không tiếp xúc trực tiếp với luồng hơi lạnh thổi ra từ máy điều hòa.
3. Cho trẻ bú mẹ
Rất nhiều kết quả nghiên cứu đã khẳng định việc cho trẻ bú mẹ sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch, phòng chống các tác nhân có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ do tình trạng viêm nhiễm và các loại bệnh gây ra. Các chuyên gia y tế khuyến cáo đây là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để đảm bảo cho trẻ được bảo vệ và phát triển tốt, đặc biệt là trong năm đầu đời.
4. Tránh bị mất nước
Tình trạng mất nước ở trẻ nhỏ thường không được các bậc phụ huynh quan tâm đúng mức, mặc dù chúng xảy ra khá phổ biến ở mọi thời điểm trong năm và có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Hãy đảm bảo rằng con bạn luôn có đủ lượng nước mà cơ thể chúng đang cần bằng cách cho trẻ uống nhiều nước.
Ở trẻ từ hai tuổi trở xuống, ngoài sữa mẹ và nước, bạn có thể cho bé uống các loại ép trái cây theo nhu cầu. Súp cũng là một lựa chọn hợp lý không chỉ giúp bổ sung thêm nước cho cơ thể của trẻ trong mùa đông, mà còn giữ ấm và cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi cho sự phát triển về thể chất của trẻ.
5. Chế độ ăn uống cân bằng
Đối với trẻ đã ăn dặm, một chế độ ăn uống cân bằng sẽ bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho nhu cầu phát triển thể chất, giúp trẻ có đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật và sự lây nhiễm vi khuẩn.
Một điều quan trọng là phụ huynh nên từ bỏ thói quen bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất dưới dạng thuốc bổ cho trẻ- mà không có sự chỉ định từ bác sĩ. Vì trên thực tế, điều này không cần thiết. Chỉ những trẻ biếng ănhoặc đang bị ốm và được điều trị theo chế độ đặc biệt như bị dị ứng đường lastose… mới cần được bổ sung thêm dưỡng chất theo hướng dẫn của thầy thuốc.
6. Tránh đám đông
Cho trẻ tiếp xúc với đám đông hoặc đến chỗ đông người là một thử thách lớn đối với hệ miễn dịch còn quá non nớt của trẻ nhỏ. Lúc này, con bạn sẽ đứng trước nguy cơ tiếp xúc với tất cả các loại bệnh ở nơi công cộng và đây chính là thời điểm mà sức khỏe của trẻ dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm rất dễ lây trong mùa lạnh như cảm, cúm…
7. Giữ bình tĩnh khi con bạn gặp trục trặc về sức khỏe
Thông thường, những căn bệnh mà trẻ mắc phải trong giai đoạn chuyển mùa không quá nguy hiểm và hiếm khi gây ra các biến chứng phức tạp nếu như bạn biết cách xử trí thích hợp. Do đó, giữ bình tĩnh khi thấy con đang có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe sẽ giúp bạn tỉnh táo và đưa ra những quyết định đúng đắn: chẳng hạn như khi nào cần đưa con đến bác sĩ, khi nào cần theo dõi tại nhà, khi nào cần dùng thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt…
Theo SK&ĐS
|