Khi trẻ mắc chứng biếng ăn, bạn cần phải làm gì? Các mẹo do các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đề xuất sau đây sẽ là cứu cánh cho bạn.
Là cha mẹ, bạn thường chuẩn bị thật nhiều món ăn mà bạn cho là bổ dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên đôi khi bé trở nên chán ăn, không chịu ăn những món bạn nấu.
Biếng ăn là một vấn đề khá thường gặp. Một số dấu hiệu của chứng biếng ănđể bạn có thể nhận biết sớm là:
1. Trẻ không chịu ăn hết khẩu phần, hoặc bữa ăn bị kéo quá dài (hơn 1 giờ).
2. Trẻ bú ít, ăn ít hơn bình thường.
3. Trẻ ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt.
4. Trẻ không ăn một số thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa.
5. Trẻ từ chối không chịu ăn, chạy trốn khi thấy thức ăn.
6. Trẻ nhìn thấy thức ăn là có phản ứng buồn nôn.
Đừng quá lo lắng, bực bội, chán nản buồn rầu vì tâm lý của bạn sẽ gây ảnh hưởng đến trẻ. Bạn cần bình tĩnh, giữ tâm lý thoải mái để lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến một cách sáng tạo và động viên trẻ ăn.
Cách phòng tránh biếng ăn cho trẻ
Cho trẻ ăn bổ sung đúng thời điểm - tròn 6 tháng/180 ngày. Không nên cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn.
Cho trẻ ăn vừa đủ lượng và số bữa phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Khẩu phần của trẻ cần phù hợp với độ tuổi của bé. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều làm trẻ quá no khiến trẻ khó chịu dẫn đến sợ ăn.
Cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn để phòng tránh thừa hoặc thiếu vitamin, khoáng chất. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chán ăn ở trẻ.
Cố gắng cho trẻ ăn đúng bữa.
Không khí cho trẻ ăn phải vui vẻ, thoải mái. Bữa ăn hãy là khoảng thời gian của yêu thương và học hỏi.
Không nên bắt ép con ăn, không mắng mỏ dọa dẫm. Kiên nhẫn động viên, khuyến khích trẻ ăn. Hạn chế tối đa sự mất tập trung khi cho trẻ ăn, không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem ti vi, chơi trò chơi hay đi rong.
Cách khắc phục khi trẻ có dấu hiệu biếng ăn
Bạn hãy thay đổi thức ăn cho trẻ hàng ngày, cho bé ăn nhiều món khác nhau. Hãy cho bé ăn món bé thích.
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều thịt cá. Cho bé ăn lượng cân đối các dạng thức ăn.
Có thể thay đổi cách chế biến để cho trẻ ngon miệng.
Trang trí, chuẩn bị món ăn thật đẹp đẽ, nhiều màu sắc, hương vị, hấp dẫn.
Trẻ thích ăn món ăn hấp dẫn, nhiều màu sắc, nhiều hương vị
Hãy chuẩn bị một số mẩu thức ăn nhỏ mềm, bắt mắt để trẻ có thể tự cầm nắm và tự ăn.
Nếu trẻ từ chối ăn một loại thức ăn mới, bạn đừng cố ép mà hãy thử lại vào một dịp khác.
Cho trẻ ăn làm nhiều bữa trong ngày, cho ăn thêm nhiều bữa phụ là cách hiệu quả hơn là bắt trẻ ngồi yên ăn những bữa lớn.
Không cho trẻ ăn quà vặt như bánh kẹo, nước ngọt,... trước bữa ăn. Những thức ăn đó không có vitamin và khoáng chất mà còn làm bé bị ngang bụng, mất cảm giác đói và thèm ăn nên bé không chịu ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng khác.
Cho trẻ ăn khi trẻ thấy đói, khi trẻ từ chối ăn, bạn có thể không ép mà đợi đến lúc trẻ thấy đói, muốn ăn, đòi ăn thì cho bé ăn.
Cho trẻ vận động, chơi, chạy nhảy hay tắm trước khi ăn để trẻ thấy đói.
Cho trẻ ăn cùng bạn, cùng gia đình trong bữa ăn. Bạn có thể ăn thức ăn của trẻ và cho trẻ thử ăn thức ăn của bạn nếu phù hợp để động viên trẻ ăn. Khen thức ăn ngon và tươi cười, khuyến khích trẻ thật nhiều để trẻ tự tin và thích thú ăn.
Nên cho trẻ tự xúc ăn, tự cầm thức ăn để ăn.
Khen ngợi trẻ khi trẻ chịu ăn, dù chỉ là một lượng thức ăn nhỏ.
Những dấu hiệu nào cho thấy bạn cần cho bé thăm khám bác sĩ?
Nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết trẻ có thể tự hình thành nhu cầu thức ăn cần thiết để trẻ phát triển. Xin đừng ép trẻ ngày nào cũng phải ăn đủ. Trẻ có thể không cần ngày nào cũng phải ăn đủ một lượng thức ăn nhất định mà bạn hãy tính lượng thức ăn trẻ ăn được trong cả tuần đã phù hợp hay chưa.Việc trẻ trở nên chán ăn hoặc ăn ít đi trong một thời điểm nào đó (mọc răng, tập nói, tập đi) là hết sức bình thường. Thường trong năm đầu đời trẻ phát triển rất nhanh (trung bình trẻ một tuổi tăng cân gấp 3 lần khi mới sinh), sau đó trẻ tăng cân chậm dần đi. Do vậy, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng tăng chậm hơn. Đồng thời, khi trẻ bắt đầu biết đi, biết chạy, trẻ không chịu ngồi yên dù là để ăn cũng ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ.
PV- SK&ĐS
|