Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh nên biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tránh sự tiếp xúc với muỗi truyền bệnh, tiêu diệt nơi muỗi đẻ trứng và diệt ấu trùng muỗi bằng cách thực hiện tốt khẩu hiệu hành động “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Nếu không may bị mắc bệnh, cần chú ý đến giai đoạn nguy hiểm với các dấu hiệu cảnh báo để kịp thời nhập viên và có biện pháp xử trí phù hợp.
Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo đều phải nhập viện (ảnh minh họa).
Sau giai đoạn sốt với triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da sung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nghiệm pháp dây thắt dương tính... Người bệnh bị mắc sốt xuất huyết thường chuyển sang giai đoạn nguy hiểm sau đó khoảng 3 đến 7 ngày; đây là giai đoạn cần phải xem xét để có biện pháp xử trí phù hợp nhằm hạn chế những hậu quả xấu xảy ra.
Trong giai đoạn nguy hiểm, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như: thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau. Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện lâm sàng như vật vã, bứt rứt hoặc li bì; lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg, huyết áp tụt hoặc không đo được; đi tiểu ít... Đồng thời có dấu hiệu xuất huyết như: xuất huyết dưới da được biểu hiện những nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc các mảng bầm tím; xuất huyết niêm mạc được biểu hiện triệu chứng chảy máu mũi, chảy máu lợi và chân răng, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn; xuất huyết nội tạng được biểu hiện ở cơ quan tiêu hóa, phổi, não... và được xem là dấu hiệu nặng, nguy hiểm. Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim; những biểu hiện tình trạng nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.
Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết tương ứng với tình trạng sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo. Thể bệnh này bao gồm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue như sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu như: có biểu hiện xuất huyết với nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam; có nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da bị sung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Đồng thời kèm theo các dấu hiệu cảnh báo như: vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau cùng gan, gan sưng to vượt quá bờ sườn phải hơn 2cm; nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, đi tiểu ít. Xét nghiêm máu thấy hematocrit tăng cao và tiểu cầu giảm nhanh chóng. Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo như trên phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm hematocrit, tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời.
Trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết ở giai đoạn nguy hiểm, có xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo đều phải cho nhập viện để điều trị và được chỉ định truyền dịch kịp thời. Nên xem xét việc truyền dịch sớm nếu người bệnh không uống được, nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, lừ đừ, chỉ số hematocrit tăng cao mặc dù huyết áp vẫn ổn định. Dịch truyền được sử dụng gồm Ringer lactat, NaCl 0,9%. Lưu ý nếu bệnh nhân là người lớn từ 15 tuổi trở lên có thể xem xét ngừng truyền dịch khi hết nôn, ăn uống được. Nên xem xét cho nhập viện để theo dõi, điều trị một số trường hợp sốt xuất huyết trên đối tượng có cơ địa đặc biệt như phụ nữ mang thai, trẻ bú mẹ, người béo phì, người cao tuổi; người có các bệnh lý kèm theo như tiểu đường, viêm phổi, hen phế quản, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận, người sống một mình hoặc nhà ở xa cơ sở y tế...
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh- Theo SK&ĐS
|