CNĐD Bùi Thị Bích Phượng - Điều dưỡng trưởng khoa Sốt Xuất Huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, chăm sóc và theo dõi trẻ sốt trong sốt xuất huyết (SXH) là công việc rất quan trọng giúp phòng ngừa những biến chứng do sốt như: co giật, mất nước, rối loạn điện giải... Góp phần làm giảm tỈ lệ tử vong do SXHD. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều phụ huynh chăm sóc sốt ở trẻ SXH chưa đúng cách.
Bệnh nhân thường trở nặng khi hết sốt
Theo ĐD Bùi Thị Bích Phượng, từ tháng 1 - 6/2014, đã có 831 trường hợp SXHD nhập khoa sốt xuất huyết, tuổi trung bình 6,6 tuổi, nhỏ nhất 6 tháng, lớn nhất 15 tuổi. Trẻ dưới 5 tuổi chiếm 61,2%, đây là lứa tuổi có tỉ lệ sốt co giật cao. Đặc điểm sốt trong SXH là 100% bệnh nhân bị sốt cao liên tục, đột ngột, đa số sốt cao khó hạ (91%), thời gian sốt là 3 - 7 ngày. Bệnh nhân thường trở nặng khi hết sốt. Do đó, việc theo dõi nhiệt độ mỗi ngày là rất cần thiết cho việc điều trị bệnh. Phụ huynh phải cảnh giác theo dõi bệnh ngay cả khi bệnh đã hết sốt. Bên cạnh đó, cũng không nên quá hoang mang khi trẻ sốt cao trong những ngày đầu của bệnh. Người nhà thường lo lắng khi trẻ sốt cao sẽ bị co giật, sốt càng cao bệnh sẽ càng nặng. Tuy vậy, không nhận thấy bằng chứng trong y văn có sự liên quan giữa sốt cao và co giật hay sốt cao và tỉ lệ bệnh nặng. Có tới 65,7% số bệnh nhi cảm thấy khó chịu khi sốt cao bằng hoặc hơn 390C và có 34,3% bệnh nhi khó chịu ngay khi sốt dưới 390C. Việc chăm sóc sốt trong bệnh nhân SXH rất cần thiết, giúp trẻ dễ chịu hơn.
Cần phải biết, loại thuốc, thời điểm, thời gian, khoảng cách khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Cần thành thạo kỹ thuật lau mát hạ sốt để thực hiện tốt. Theo ĐD Phượng, hầu hết điều dưỡng đều lau mát đúng ở vị trí hõm nách, bẹn. Có 92,1% kiểm tra nhiệt độ lau mát bằng khuỷu tay. Tuy nhiên, cũng còn nhiều điều dưỡng chưa giải thích rõ cho người nhà bệnh nhi hiểu tác dụng của lau mát, để phụ huynh an tâm và hợp tác lau mát cho trẻ. Luôn kiểm tra nhiệt độ nước lau mát, thời gian lau mát, vị trí lau mát, tránh gió lùa, nếu việc lau mát làm cho trẻ khó chịu hơn, lạnh run nhiều thì nên ngừng lau mát. Đa số trẻ được dùng thuốc hạ sốt bằng đường uống, chỉ đặt hậu môn khi trẻ không uống được vì dùng đặt hậu môn nhiều lần sẽ gây kích ứng hậu môn. Không đặt hậu môn ở trẻ viêm hậu môn hay bị tiêu chảy.
Nhiều phụ huynh chưa đo nhiệt độ khi trẻ sốt
Đánh giá kiến thức của phụ huynh về theo dõi và chăm sóc sốt ở SXHD cho thấy, mặc dù phụ huynh rất quan tâm đến triệu chứng sốt và rất lo lắng khi con bị sốt, nhưng có 89,5% số bà mẹ cho rằng sốt gây phản ứng có hại cho cơ thể, sốt càng cao bệnh càng nặng cho nên có thể dẫn đến can thiệp quá mức để trẻ hạ sốt. Vẫn còn nhiều bà mẹ chưa đo nhiệt độ khi sốt, cho rằng trẻ sốt nhưng thực tế trẻ không sốt, do không đặt nhiệt độ mà chỉ cảm giác khi sờ vào trẻ. Đối với trẻ bị SXH phải theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm khác ngoài sốt và biết cách theo dõi dấu hiệu cảnh báo SXH như: lừ đừ, ói, đau bụng nhiều, chảy máu bất thường…Một thực tế đáng báo động là vẫn còn khoảng 30% phụ huynh chưa biết cách theo dõi các dấu hiệu cảnh báo là dấu hiệu quan trọng để phát hiện kịp thời bệnh nặng.
ĐD Bùi Thị Bích Phượng cho biết, 100% bệnh nhi được dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cao hơn hoặc bằng 390C. Có 10% dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ dưới 380C nhưng không dựa vào các triệu chứng trẻ có khó chịu hay không. Việc xác định trẻ khó chịu do sốt hay do các triệu chứng của bệnh như đau nhức, mệt mỏi, nhức đầu đôi khi cũng khiến cho việc dùng thuốc hạ sốt nhiều hơn. Đa số bệnh nhân sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều dùng, đúng khoảng cách. Tuy nhiên, vẫn còn 50% sai khoảng cách dùng thuốc và 50% các bậc cha mẹ cho rằng dùng thuốc đường uống tốt hơn đặt hậu môn. Cũng cần phải lưu ý thêm một số vấn đề như không lau mát bằng nước đá, không phải tất cả trẻ sốt đều phải lau mát vì làm trẻ khó chịu, quấy khóc làm tăng nhu cầu chuyển hóa…Vẫn còn 15,7% bệnh nhân ủ ấm khi sốt cao, nằm phòng kín khiến cho trẻ càng sốt thêm. Khi trẻ sốt phải cho trẻ uống nhiều nước chín để nguội, nước trái cây… không cho trẻ dùng thức ăn màu nâu, đen, đỏ…
NGUYỄN HUYỀN- Theo SK&ĐS
|