Xương chân gà ác đã được coi là vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Xương chân gà ác phối hợp với những vị thuốc nguồn gốc thực vật được nấu thành cao, gọi là “tinh gà đen”, một loại thuốc bổ chữa hư nhược, kém ăn, mệt mỏi, đau lưng, mất ngủ, sinh lý yếu, bạch đới, băng huyết, kiết lỵ, mồ hôi trộm.
Gân chân gà: Đó là một món ăn lạ (kỳ trân) và được liệt vào 8 món ăn quý (bát trân) dành riêng cho vua chúa và giới thượng lưu, thường có mặt trong các bữa đại tiệc. Gân chân gà, tên thuốc là kê cân, có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng cao, mạnh sinh lực, cường gân cốt. Dược liệu được dùng phổ biến dưới dạng thức ăn - vị thuốc, thường nấu nhừ với các vị thuốc bổ nguồn gốc thực vật, rồi ăn nóng. Có thể đem gân phơi khô để khi cần thiết mới dùng. Người ta thu hoạch gân chân gà bằng cách cho chó đuổi gà đến khi gà đuối sức, gục ngã thì cắt lấy chân, lột da lấy những sợi gân căng mọng. Có người cho rằng giá trị bổ dưỡng của gân chân gà cao hơn nhiều thang thuốc bổ khác và tác dụng mạnh sinh lực, cường gân cốt có thể sánh ngang với cao hổ cốt, nhất là khi phối hợp với các vị thuốc bắc.
Toàn chân gà hoặc từng phầm riêng lẻ như da, gân, xương đều là những vị thuốc.
Chữa chứng chân tay run rẩy, đi đứng không vững: da chân gà nấu thành cao, uống với nước sắc vỏ ngũ gia bì và thạch xương bồ với liều 8g mỗi ngày.
Chữa trẻ em da xanh, chậm biết đi, chậm mọc răng: da chân gà ninh nhừ với tôm tươi (để cả vỏ), lấy nước nấu cháo.
Tác dụng cầm máu: da chân gà đem đốt thành than tán bột, rắc lên vết thương. Có người còn dùng da chân gà với da trâu (cũng đốt thành than), tác dụng cầm máu sẽ tốt hơn.
Chữa ngộ độc: chân gà rừng 1 cái, đốt thành than, tán bột. Lấy rễ cây phèn đen 20g và rễ mía dò 20g, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml. Uống bột chân gà với nước sắc các dược liệu làm hai lần trong ngày.
Bồi dưỡng và phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi: Viện y học cổ truyền đã có sáng kiến dùng 5 loại xương là xương chân gà 3kg, xương bò hay xương lợn 7kg, xương khỉ 2kg, xương trăn 1kg, nấu thành “cao ngũ cốt”.
DS. Đặng Văn Nam - Theo SK & ĐS
|