Em bé của bạn chỉ có duy nhất một nguồn thức ăn - đó là qua bạn. Chính vì thế trong thời gian mang thai, hơn bao giờ hết điều thiết yếu là bạn phải có một chế độ ăn uống đa dạng và cân đối. Nhiều người cho rằng, lúc đó bạn phải ăn đủ để nuôi sống hai người - điều đó không hoàn toàn đúng. Bạn chỉ cần ăn đủ thức ăn giàu dinh dưỡng, tươi sạch trong số tuyển chọn dưới đây.
Trái cây khô và các loại hạt cung cấp nhiều sắt và axit folic cho thai phụ.
Protein: Vì nhu cầu của bạn gia tăng trong thời kỳ mang thai nên bạn cần cố gắng ăn nhiều thức ăn nhiều đạm: thịt, cá, các loại đậu hạt, các hạt nhiều dầu, các thực phẩm bắt nguồn từ sữa. Tuy nhiên, các thức ăn động vật cũng giàu cả chất béo. Do vậy, bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn này và nên ăn thịt nạc.
Chất canxi: có nhiều trong pho-mat, sữa, rau xanh, sữa chua... Chất này đảm bảo cho xương và răng em bé khởi sự hình thành từ tuần thứ 8, phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, các sản phẩm bắt nguồn từ sữa cũng rất giàu chất béo cho nên bạn lựa chọn thứ nào ít chất béo như sữa hớt hết kem chẳng hạn.
Vitamin C: Làm tăng sức đề kháng cho cơ thể và giúp bạn dễ hấp thu chất sắt, vitamin C có nhiều trong trái cây và rau tươi, mỗi ngày bạn nên cung cấp vitamin C đều đặn vì cơ thể không tích trữ được sinh tố này. Vitamin C bị mất rất nhiều trong quá trình tồn trữ thức ăn và nấu nướng, vì vậy tốt hơn hết bạn nên dùng thực phẩm tươi sống, với lá rau xanh thì nên hấp cách thủy hoặc ăn sống.
Chất xơ: Khi mang thai bạn rất hay bị táo bón, chính vì thế chất này phải chiếm một phần đáng kể trong bữa ăn hàng ngày của bạn. Trái cây và rau xanh là nguồn cung cấp chất xơ quan trọng vì bạn có thể ăn được nhiều rau trái. Đừng quá trông cậy vào cám vì cám có thể cản trở sự hấp thụ các dinh dưỡng khác.
Axit folic: Rất cần thiết cho sự phát triển thần kinh trung ương của em bé, đặc biệt trong những tuần đầu. Hơn nữa trong thời gian mang thai, cơ thể bài tiết axit folic gấp nhiều lần so với lúc thường, do vậy cần cung cấp axit folic mỗi ngày. Rau tươi lá to, màu xanh thẫm là nguồn cung cấp axit folic tốt.
Chất sắt: Trong thời gian mang thai nhu cầu về sắt tăng. Em bé cần nhiều sắt để tích vốn dự trữ và khối lượng máu cơ thể bạn tạo ra cần sắt để chuyên chở dưỡng khí ôxy. Chất sắt gốc động vật dễ hấp thụ hơn chất sắt gốc thực vật như: đậu hạt và trái cây khô. Do đó nếu bạn không ăn thịt thì nên ăn thức ăn giàu chất sắt kết hợp với thức ăn giàu vitamin C để hấp thụ được tối đa.
Ngoài việc cố gắng ăn đủ các chất trên, khi mang thai, bạn cần giảm lượng muối ăn để chống chứng phù và chứng tiền sản giật, uống nhiều nước chống táo bón.
Sau đây là một khẩu phần hợp lý với người có thai 6 tháng cuối:
Phải đảm bảo mỗi ngày được cung cấp 2.550Kcalo (bình thường là 2.200Kcalo); 1,5-2gam protein/kg cơ thể người mẹ; 0,7-1gam lipit (dầu mỡ)/kg; 6-7gam gluxit/kg, có đủ vitamin, chất khoáng và vi chất. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, mỗi ngày phụ thêm 350Kcalo, 15 gam protein, 0,2mg vitamin B1, 0,2mg vitamin B2, 30mg vitamin C, 750 microgam vitamin A, 10 đơn vị vitamin D, 10-12gam canxi, 14-28mg sắt... Trong bữa ăn hằng ngày của người mẹ ngoài gạo ngô, các loại củ rau quả tươi nên có thêm thịt cá hoặc đậu, lạc ,vừng. Trong 3 tháng cuối mỗi ngày nên ăn thêm 1 quả trứng gà, vịt.
BS. Nguyễn Kim Dung- Theo SK&ĐS
|