Trong khi người phương Tây quan niệm thức ăn nhanh (FAST FOOD) là món ăn không tốt cho sức khỏe thì nhiều người Việt Nam lại cho rằng đây là món ăn sang trọng, bổ dưỡng và thuận tiện.
Hiện nay tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em ngày càng tăng nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng , Đà Nẵng... nhiều trẻ em đến khám tại Trung tâm tư vấn Dinh dưỡng được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh béo phì. Khi được hỏi về chế độ ăn uống của trẻ, các bậc cha mẹ kể con họ thường xuyên ăn thức ăn nhanh như: gà KFC, bánh mì sandwich, bánh hamburger, nước ngọt, khoai tây chiên, xúc xích, lạp xưởng… Có trẻ sau mỗi buổi chiều tan trường đều được cha mẹ cho ăn một phần thức ăn nhanh, sau đó về nhà ăn cơm tối tiếp. Có trẻ được thay thế bữa ăn tối bằng thức ăn nhanh với lý do trẻ thích ăn hoặc cha mẹ bận rộn không nấu ăn được. Những trẻ em này thức ăn nhanh là món ăn khoái khẩu mà các bé ưa thích
Giàu năng lượng, nghèo dinh dưỡng
Fast food được chế biến công nghiệp và bán công nghiệp. Thức ăn nhanh công nghiệp như: bánh snack, khoai tây chiên giòn, nước ngọt, nước có gas, nước có thêm đường và thức ăn nhanh bán công nghiệp như: gà rán, hamburger, bánh pizza... là thức ăn rất giàu năng lượng. Một phần gà rán có trên 400 - 450kcalo, một phần hamburger cũng 450 - 460kcalo - tùy to hay nhỏ, năng lượng này chiếm 1/4 năng lượng khuyến nghị hằng ngày.
Một phần hamburger chứa 450 - 460kcalo tùy to hay nhỏ
Không thể phủ nhận thức ăn nhanh là tiện lợi, cung cấp năng lượng, các chất dinh dưỡng giúp người tiêu dùng hoạt động, học tập... nhưng nếu dùng thức ăn nhanh thường xuyên, thay thế cho những bữa ăn truyền thống sẽ có những tác hại đáng kể. Nếu đã ăn các bữa ăn chính mà lại ăn thêm thức ăn nhanh sẽ làm người sử dụng thừa năng lượng. Còn ăn thức ăn nhanh thay thế các bữa ăn truyền thống thì lâu dài sẽ thiếu các vitamin và khoáng chất. Bởi lẽ thức ăn nhanh có năng lượng cao, nhiều chất béo, nhiều muối nhưng lại ít rau, do vậy không cân đối được các chất dinh dưỡng. Những người thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh dễ có nguy cơ bị thừa cân, béo phì, dễ bị rối loạn mỡ trong máu. Ăn nhiều thức ăn nhanh tuy bị béo phì nhưng vẫn bị thiếu các vi chất dinh dưỡng, có nghĩa là thức ăn nhanh là loại thức ăn không cân đối về dinh dưỡng, thức ăn nhanh rất giàu năng lượng, chủ yếu cung cấp từ chất béo, chất béo này từ động vật (heo, bò, gà...). Thực phẩm thường chiên từ dầu mỡ có nhiều chất béo no không tốt cho sức khỏe, đặc biệt không tốt cho tim mạch do hàm lượng muối cao. Khi bị chiên rán ở nhiệt độ cao gần như các vitamin và khoáng chất đã bị phá hủy hết.
Vậy có nên cho trẻ ăn fast food hay không ?
Thỉnh thoảng cho trẻ ăn thức ăn nhanh thì được nhưng ăn thường xuyên thì không tốt vì những lý do đã phân tích ở trên. Thức ăn nhanh là nhu cầu của đời sống công nghiệp nhưng người tiêu dùng cần phải biết cân đối. Trong thức ăn nhanh có ít rau nên sau khi ăn cần phải ăn thêm trái cây, rau xanh. Khi mua phần ăn nên chọn phần có năng lượng phù hợp với nhu cầu của cơ thể mình và không nên ăn quá 1 lần mỗi tuần, đối với trẻ béo phì, người lớn thừa cân béo phì và mắc các bệnh liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường týp 2, bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu… thì không nên ăn. Phụ huynh nên tránh tập thói quen xấu cho trẻ như dùng thức ăn nhanh để thưởng mỗi khi trẻ làm điều tốt, được điểm cao trong học tập… hoặc tập thói quen ăn hằng tuần.
Khi ăn thức ăn nhanh cần ăn thêm rau xanh và trái cây để bổ sung các vi chất dinh dưỡng bị thiếu hụt trong các loại thức ăn này.
Bữa ăn truyền thống vẫn là tốt nhất đối với mỗi gia đình, vừa tốt cho sức khoẻ, tiết kiệm, dù có bận rộn với công việc người mẹ trong gia đình vẫn nên dành thời gian nấu những bữa ăn cân đối dinh dưỡng ngon, bổ, rẻ cho những người thân yêu trong gia đình.
ThS.BS.LÊ THỊ HẢI
|