Về nguyên nhân, chứng đầy bụng - khó tiêu ở trẻ đa dạng và phức tạp.
Lúc mới sinh, bao tử của trẻ nhỏ xíu, chỉ chứa được 30 - 35ml, lúc 3 tháng tuổi có thể chứa được 100ml và đạt 250ml khi trẻ được 1 tuổi. Do các lớp cơ phát triển còn yếu, bao tử còn thẳng, nằm trên cao và co thắt bất thường nên trẻ dễ bị nôn trớ. Chính những đặc điểm giải phẫu này nên trẻ nhỏ chỉ tiêu hóa được một lượng thức ăn nhất định và tiêu hóa phải có đủ thời gian phù hợp để tiêu hóa hết thức ăn. Nếu ta cho trẻ ăn quá nhiều hoặc các bữa ăn quá gần nhau, trẻ sẽ dẫn đến tình trạng đầy bụng- khó tiêu.
Các nguyên nhân khác cũng thường gặp như: cho bé uống sữa có nhiều đường lactose và đạm trong thành phần của sữa, hay cho trẻ uống sữa bò sớm chưa đến 1 tuổi, vì trong sữa bò chứa nhiều protein, trong khi bao tử của bé thành phần dịch vị và độ pH chưa thích hợp để tiêu hóa hết lượng protein trong sữa bò. Do đó, giai đoạn này bé chỉ thích hợp hấp thụ các thành phần lactose, protein trong sữa mẹ hơn là sữa bò. Trẻ ăn dặm, ăn cơm quá sớm cũng dễ bị rối loạn tiêu hóa, vì cơ thể của bé chưa đủ men tiêu hóa nhất là men tiêu hóa tinh bột, khiến thức ăn ứ đọng trong đường ruột và bị vi khuẩn lên men, dẫn đến đầy hơi, trướng bụng, khó tiêu...
Để khắc phục chứng đầy bụng - khó tiêu ở trẻ, trước hết cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, cần cho trẻ bú và ăn dặm theo từng giai đoạn phát triển sinh lý của bé; bé dưới 5 tháng tuổi chỉ cần sữa là đủ, tốt nhất là sữa mẹ. Bé 5 - 6 tháng tuổi: sữa là chủ yếu, bên cạnh đó tập ăn dặm với bột nhưng với lượng ít. Bé 6 - 8 tháng: cho bé ăn dặm bột, có đủ 4 nhóm thực phẩm như: bột, đạm, béo, rau tăng cường sữa, trái cây mềm. Bé 8 - 12 tháng: ngoài bột, sữa, trái cây mềm, nên tập ăn thêm cháo có đủ bột, đạm, béo, rau; bé 12 - 24 tháng, ngoài bột, cháo, tập ăn thêm nui, bún, hủ tiếu… Bé trên 24 tháng: cho bé tập ăn cơm khi đủ 20 răng sữa. Các giai đoạn chuyển tiếp từ sữa sang bột, tức từ 5 - 6 tháng tuổi; hoặc từ cháo sang cơm lúc 24 tháng tuổi là rất quan trọng, cần tập với số ít và tăng dần để bé thích nghi, nếu cho bé với số lượng nhiều sẽ dẫn đến đầy bụng và khó tiêu.
Cần phân chia các bữa ăn phù hợp trong ngày với từng trẻ. Bé sơ sinh có thể bú sữa 8 - 14 lần, bé 6 - 8 tháng tuổi, mỗi ngày trẻ cần 2 nửa chén bột với đủ 4 nhóm thực phẩm bột, đạm, rau, dầu cùng khoảng 5 - 6 bữa sữa. Sau 8 tháng có thể tập cho trẻ ăn cháo, hơn 1 tuổi tập ăn nui, bún...; khoảng 2 tuổi thì ăn được cơm 3 bữa ăn đặc, 3 - 4 cữ sữa mỗi ngày; bữa ăn đầu tiên trong ngày nên bắt đầu sau khi trẻ thức dậy khoảng 30 phút, bữa kế tiếp khoảng 2 - 3 tiếng sau và nên đổi món. Bên cạnh đó, cần bổ sung men vi sinh cho bé, đây là những vi khuẩn có lợi giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn chặn và ức chế vi khuẩn có hại, cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tháng tuổi, nguyên nhân gâyđầy bụng khó tiêu, thường là hơi ứ lại ở ruột gây ra, do bé nuốt không khí vào bụng, như: cho bé ngậm núm vú giả mỗi khi bé khóc, với động tác mút liên tục này sẽ làm khí tích tụ ở đường tiêu hóa.
Bé dưới 5 tháng tuổi chỉ cần sữa là đủ
Do đó, hạn chế sử dụng núm vú giả cho bé, chỉ dùng khi thật sự cần thiết. Thường xuyên vỗ lưng cho bé vỗ lưng nhẹ nhàng, nhờ cách này, bé mới có thể đẩy khí thừa ra ngoài; giúp bé cử động bằng cách đặt bé nằm nằm ngửa và di chuyển chân bé từ trong ra ngoài, gập lên bụng - duỗi ra, chuyển động như vậy sẽ phá vỡ bất kỳ túi khí nào ứ đọng gây ra cảm giác khó chịu cho bé. Nên dùng khăn ấm một đến 2 lần trong ngày, áp vào bụng của bé, cách này giúp thư giãn các cơ bắp ở thành bụng cũng như dạ dày của bé, làm tiêu hóa tốt, tránh được chứng đầy bụng - khó tiêu.
BS.CKI.TRẦN QUỐC LONG
Theo SK - ĐS
|