Giảm cảm giác, nói ngọng, nuốt nghẹn, sặc, tê da khu trú một số vùng... có thể là những triệu chứng ban đầu của đột quỵ.
Theo tiến sĩ Lê Đức Hinh, Chủ tịch hội thần kinh học Việt Nam cho biết, đột quỵ não là hình thái lâm sàng của bệnh lý mạch máu não và nguyên nhân có thể do nhồi máu não hoặc chảy máu não. Bệnh phần lớn xảy ra ở người cao tuổi, đặc biệt là người từ 60-65 trở lên, đôi khi cũng gặp ở người trẻ tuổi.
Điều quan trọng nhất là phát hiện bệnh sớm, xử trí kịp thời, như thế có nhiều hy vọng giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong, hạn chế để lại di chứng tàn tật lâu dài. Tỷ lệ biến chứng theo thống kê thế giới, cứ 100 người sống sót qua cơn đột quỵ thì vẫn có khoảng 1/3 bệnh nhân có thể mang di chứng. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể để lại di chứng vận động như liệt tay, chân, nửa người; rối loạn ngôn ngữ, đặc biệt cảm xúc ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Người bị tăng huyết áp cần được theo dõi và điều trị tốt, tránh tai biến dẫn đến đột quỵ. Ảnh minh họa: N.P.
Tiến sĩ Hinh cho biết, cố gắng khi xuất hiện dấu hiệu cho thấy một người có khả năng bị đột quỵ thì nên đưa đến cơ sở y tế cấp cứu gần nhất. Dấu hiệu cảnh báo trước, cả thầy thuốc và người dân đều có thể phát hiện được. Một người đang bình thường đột ngột thấy yếu một tay, một chân, cơ thể; tự nhiên nói líu ríu, mất thăng bằng hoặc đột nhiên có rối loạn về ý thức. Đây là những dấu hiệu khả nghi.
Thực tế, cần phải phân chia bệnh thành 2 nhóm triệu chứng. Thứ nhất là loại rõ ràng, người bệnh có các biểu hiện như mất ý thức, liệt hoàn toàn, mất cảm giác, đại tiểu tiện không tự chủ... Thứ hai là loại không rõ ràng. Tuy nhiên triệu chứng ban đầu nhiều khi rất đa dạng, một số bệnh nhân đôi khi chỉ thấy tê bì khu trú một số vùng, giảm cảm giác, nói ngọng, nuốt nghẹn, sặc ...
"Nếu một người cử động mất thuần thục, mặt méo lệch đi, một người từ trước đến nay vẫn khỏe rồi bất chợt ngã xuống, mất ý thức... thì cần đến cơ sở y tế cấp cứu ngay. Những dấu hiệu này có thể hơi tản mạn, chỉ xuất hiện 1-2 biểu hiện hoặc kết hợp các dấu hiệu đó", tiến sĩ Hinh cho biết.
Điều trị:
Người bệnh có thể được tiêm tiêm truyền các thuốc làm tiêu các cục máu đông, tùy trường hợp có thể can thiệp khác giúp bệnh nhân qua giai đoạn hiểm nghèo. Tiếp sau đó phải điều trị phục hồi chức năng và dự phòng về mặt lâu dài, có vậy mới có nhiều hy vọng giúp bệnh nhân đỡ bị hậu quả tàn tật.
Những người dễ bị đột quỵ
- Người già.
- Người có nhiều yếu tố bệnh tật như đái tháo đường, tăng huyết áp, đặc biệt khi người đó ở trong hoàn cảnh đặc biệt như thời tiết thay đổi, sinh hoạt không điều độ, xúc động...
- Người trẻ tuổi đôi khi cũng có thể gặp.
Dự phòng:
Khi đã xảy ra tai biến thì khó mà tránh được di chứng dù đến sớm và được xử lý tốt mà chỉ có thể giảm thiểu di chứng. Trường hợp may mắn không chết thì cũng để lại di chứng, có ca không điều trị được, nặng có thể rơi vào trạng thái thực vật, hôn mê sâu, thậm chí dẫn đến tử vong.
Cũng vì thế, vấn đề cần chú trọng ở đây là kiểm soát, dự phòng, quản lý huyết áp, dự phòng không để tai biến xảy ra. Những người có nguy cơ bị tai biến là tăng huyết áp không được theo dõi và điều trị tốt, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy tim nặng, người ít vận động hoặc bị liệt (nguy cơ hình thành huyết khối), người có bệnh lý van tim hoặc theo dõi và dùng thuốc chống đông không đều...
Các trường hợp đã có cơn đột quỵ não, trước hết cần thực hiện chế độ điều trị theo quy định. Ngoài thuốc men, cần kết hợp chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi, giải trí và tập luyện theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
Việc tập chạy bộ phụ thuộc vào sức khỏe và khả năng của từng người khác nhau. Tốt nhất là hàng ngày nên đi bộ khoảng 30 phút, nhưng không nên đi vào lúc quá sớm hoặc sau ăn tối.
Ngoài chế độ thuốc men, bệnh nhân đã bị đột quỵ não không nên dùng những thức ăn khó tiêu, nhiều mỡ, nhiều đường; không nên dùng bia, rượu, nước uống có nhiều đường (bao gồm cả đường hóa học); không nên ăn quá no và cần chú ý uống đủ nước hàng ngày, tránh táo bón.
Đề phòng tránh cơn đột quỵ não do bệnh mạch máu não, trước hết cần thăm khám sức khỏe định kỳ, phát hiện nhữngyếu tố, nguy cơ gây bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… Điều trị các bệnh đó nếu có theo chuyên khoa đồng thời chú ý đến chế độ dinh dưỡng, lao động, tập luyện, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí…
Theo SK & ĐS
|