Sau khi bị lây nhiễm khoảng 24h đến 48h, bệnh bắt đầu bằng những biểu hiện: sốt, ói mửa nhiều và sau đó là tiêu chảy. Phân lỏng hoàn toàn, có lúc màu xanh nhưng không có máu, tiêu chảy và nôn ói lên đến 20 lần mỗi ngày. Do bị nôn và đi tiêu lỏng nhiều nên trẻ rất dễ bị mất nước, nhanh chóng khô kiệt nếu không được chăm sóc kịp thời. Thông thường bệnh kéo dài từ 3 đến 8 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 2 tuần, dù trẻ đã chơi và ăn trở lại.
Do lớp bảo vệ của ruột non bị phá hủy vì tổn thương do Rotavirus nên ảnh hưởng đến sự hấp thu của thức ăn đặc biệt là sữa. Khi đó, trẻ có thể trở nên không dung nạp men lactose (men phân hủy sữa) khiến bé tạm thời không thể hấp thu sữa hoàn toàn và tiếp đến có những triệu chứng như đau bụng, đau mông, tiêu chảy nhiều hơn và đầy hơi, khó tiêu. Điều này dẫn đến tình trạng sụt cân và suy dinh dưỡng ở trẻ bị tiêu chảy. Các biến chứng liên quan tới sự mất cân bằng muối và nước có thể dẫn đến suy yếu, đầy hơi và mất cân bằng acid máu, thường phải nhập viện kịp thời để điều trị. Khi không được điều trị thích hợp, tiêu chảy có thể dẫn đến tử vong.
Rửa tay bằng xà phòng là giải pháp ngừa bệnh tiêu chảy do Rotavirus.
Xử lý khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus
Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh có khả năng lây lan nhanh, với đường lây truyền phổ biến là phân - miệng. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virut rồi đưa tay lên miệng, virut sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh. Virut gây bệnh này có thể sống nhiều giờ trên bàn tay, vài ngày trên các bề mặt rắn và tồn tại đến 21 ngày trong phân. Vì vậy, nếu trẻ bị bệnh nên cho trẻ nghỉ học cho đến khi hết tiêu chảy để tránh lây lan cho các trẻ khác. Giữ vệ sinh tay sạch sẽ, rửa tay sạch bằng xà phòng là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Bù nước là phương pháp điều trị cơ bản cho bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy. Trong đó, bù nước bằng đường miệng vẫn là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Cần bù nước cho trẻ bằng oresol: pha đúng cách theo chỉ dẫn của gói thuốc, với trẻ nhỏ uống oresol từng thìa nhỏ, 1-2 phút/thìa, bù nước 50ml oresol sau mỗi lần đi ngoài. Nếu trẻ không thể bù nước bằng đường uống và có biểu hiện mất nước, cần đưa ngay đến bệnh viện để truyền dịch kịp thời. Dinh dưỡng cho trẻ: cho trẻ ăn uống thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, cho trẻ ăn từng thìa nhỏ, nếu trẻ bị nôn ói, cho trẻ nghỉ một chút rồi cho ăn lại, chậm hơn.
Kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ bị các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài, làm virut - nguyên nhân gây tiêu chảy ứ đọng lâu hơn, lâu ngày có thể dẫn đến trướng bụng, tắc ruột, tử vong...
Phân biệt tiêu chảy do rotavirus và tiêu chảy thông thường
Tiêu chảy do Rotavirus là căn bệnh phổ biến và nguy cơ cao đe dọa tính mạng trẻ, tuy nhiên rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh tiêu chảy do những nguyên nhân khác nên nhiều cha mẹ không biết cách xử lý kịp thời dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Tiêu chảy do nhiễm Rotavirus nguy hiểm hơn tiêu chảy do các nguyên nhân khác. Tiêu chảy do Rotavirus thường gây nôn, vì vậy việc điều trị cho trẻ gặp khó khăn hơn các loại bệnh tiêu chảy khác. Di chứng thường gặp sau thời gian mắc bệnh là trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng. Cha mẹ cần nắm được những triệu chứng tiêu chảy do Rotavirus như trên để phân biệt.
Tiêu chảy do vi khuẩn: Liên quan mật thiết đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn: Vibrio cholerae, E.coli, Clostridium difficile, tụ cầu (phân có nhiều nước, không có bạch cầu hoặc hồng cầu trong phân). Tiêu chảy do bản thân vi khuẩn (tiêu chảy xâm nhập): Shigella, Salmonella, E. coli, Campylobacter, Yersinia (phân thường có nhầy, đôi khi có máu). Biểu hiện lâm sàng chung thường thấy là: sốt, nôn, đau bụng và tiêu chảy nhiều lần/ngày.
Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả: Đó là do nhiễm vi khuẩn tả từ nguồn thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Khi nhiễm vi khuẩn tả bệnh sẽ có biểu hiện cấp tính, bùng phát trong vài giờ hoặc trong vài ngày tùy thể trạng mỗi người. Những biểu hiện của người bị bệnh tả sẽ là: bụng đau quặn thắt, đi cầu xối xả, liên tục 10-15 lần/ngày, phân lỏng toàn nước. Đặc biệt, phân rất tanh có màu trắng đục như nước vo gạo, phân thải ra không kèm máu và chất nhầy, miệng nôn thốc. Do đi ngoài nhiều, người bệnh nhanh chóng bị mất nước. Nếu không được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân dễ bị trụy mạch, có biến chứng, thậm chí tử vong nhanh chóng.
Dấu hiệu trẻ đi tướt mọc răng: Đi tướt mọc răng là một hiện tượng hoàn toàn bình thường ở một số trẻ em. Tuy nhiên đây cũng là một vấn đề khá nhức nhối với các mẹ khi cho rằng bé yêu của mình đã bị tiêu chảy. Do trong quá trình mọc răng của bé, một loại enzym được phóng thích kết hợp với lượng nước bọt nhiều hơn thông thường khi bé nuốt vào sẽ gây ra hiện tượng đi tướt. Đi tướt mọc răng có hiện tượng không khác gì nhiều so với các hiện tượng tiêu chảy khác. Một ngày có thể bé sẽ bị đi tướt đến 4, 5 lần, phân không sống, nhầy, không có bọt, có màu vàng hơi xanh xanh hoa cà hoa cải. Tuy nhiên, khi bé bị đi tướt mọc răng bé vẫn chơi, ăn uống và hoạt động như bình thường, không sốt, không quấy khóc.
BS. Lê Anh - Theo SK & ĐS
|