Dị ứng sữa là một trong những dị ứng thức ăn phổ biến nhất ở trẻ em, là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với sữa và các sản phẩm từ sữa. Sữa bò là nguyên nhân thường gặp, tuy nhiên sữa cừu, dê, trâu và các động vật có vú khác cũng có thể gây nên phản ứng.
Những biểu hiện dị ứng sữa ở trẻ
Biểu hiện phản ứng dị ứng nhanh: Thường xảy ra đột ngột với các biểu hiện: Nôn mửa, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù, hay nặng hơn là phản ứng phản vệ toàn thân.
Khi trẻ bị dị ứng với sữa bò, có thể thay thế bằng sữa đậu nành. Ảnh: TL
Biểu hiện phản ứng dị ứng chậm: Thường nhẹ, không rõ ràng. Những triệu chứng gợi ý tình trạng dị ứng có thể là trẻ hay bứt rứt khó chịu, quấy khóc thường xuyên, nôn mửa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng (có thể có ít máu trong phân), chậm tăng cân và tăng trưởng không đạt mức bình thường. Hầu hết trẻ em ở thể bệnh này sẽ hết tình trạng bất dung nạp với sữa công thức vào lúc 2 tuổi.
Phân biệt dị ứng sữa và không dung nạp sữa
Phản ứng dị ứng sữa thật sự khác với sự không dung nạp protein của sữa hoặc không dung nạp lactos. Không giống như dị ứng sữa, không dung nạp không liên quan đến hệ miễn dịch. Không dung nạp sữa gây ra nhiều triệu chứng khác và cần biện pháp điều trị khác với dị ứng sữa.
Dấu hiệu và triệu chứng thông thường của không dung nạp protein của sữa hoặc không dung nạp lactose bao gồm các vấn đề về tiêu hóa như là đầy hơi, đánh hơi hoặc tiêu chảy sau khi sử dụng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa.
Làm gì khi trẻ bị dị ứng sữa?
Khi trẻ có biểu hiện dị ứng sữa, cần ngừng việc sử dụng sữa bò ở trẻ. Nếu trẻ bị dị ứng thuộc kiểu phản ứng dị ứng nhanh, cần chuyển sang sử dụng sữa đậu nành vì trong sữa đậu nành cũng khá đầy đủ những thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của trẻ.
Nếu đã chuyển sang sử dụng sữa đậu nành nhưng triệu chứng vẫn không cải thiện, cần phải chuyển sang sử dụng những loại thực phẩm có thành phần protein ít gây ra phản ứng dị ứng. Những loại protein này đã được xử lý đặc biệt để hạn chế tối đa việc gây dị ứng cho trẻ. Thời gian sử dụng sản phẩm ít gây kích ứng dị ứng nêu trên ít nhất phải là 2 tháng, cũng có khi phải kéo dài đến 12 tháng. Sau thời gian này, cần cho trẻ dùng lại sữa bò để xem trẻ có dung nạp được hay chưa, nếu vẫn còn dị ứng thì lại dùng tiếp sản phẩm thay thế và cứ mỗi 3 - 6 tháng lại cho trẻ dùng lại sữa bò để kiểm tra vấn đề dung nạp.
Nên cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn nhỏ và mẹ còn khả năng tiết sữa, tuy nhiên các protein có trong sữa bò có thể đi qua sữa mẹ, vì vậy cần phải loại bỏ hết những thực phẩm có chứa sữa trong chế độ ăn của người mẹ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc- Theo SK & ĐS
|