Với hơn 1/3 số người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở Mỹ gặp ở những người trên 65 tuổi, căn bệnh này thường liên quan đến điều kiện tuổi tác. Nhưng khoảng 208.000 trẻ em và thanh thiếu niên đang bị mắc ĐTĐ và con số này đang không ngừng gia tăng là một thông điệp cho cộng đồng...
Một báo cáo từ năm 2009 bởi Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh Mỹ (CDC) đã chỉ ra rằng, ĐTĐ týp I đang giữ ở tỷ lệ 1,93/1.000 trẻ em và thanh thiếu niên, còn bệnh ĐTĐ týp II đã ảnh hưởng khoảng 0,24/1.000 người. Nhưng năm 2014, Báo Tin tức y học ngày nay (MNT) đã đăng một nghiên cứu cho biết rằng, cả ĐTĐ týp I và II đều đang gia tăng ở trẻ em và vị thành niên Mỹ. Nghiên cứu đã cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ týp I ở trẻ em đến 9 tuổi đã tăng 21% (2001-2009), trong khi đó tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ týp II trong số trẻ tuổi từ 10 - 19 tuổi đã tăng đến 30,5%. Các nhà nghiên cứu chú thích: “Sự gia tăng tỷ lệ được báo cáo trong tài liệu này là rất quan trọng bởi vì những người trẻ mắc bệnh ĐTĐ sẽ bước vào tuổi trưởng thành với những năm dài mắc bệnh, gây khó khăn cho công tác điều trị, tăng rủi ro của các biến chứng ban đầu đồng thời tăng tần suất của bệnh ĐTĐ trong độ tuổi sinh sản, cũng như xa hơn có thể làm gia tăng bệnh ĐTĐ ở thế hệ kế tiếp”.
Tỷ lệ ĐTĐ týp I trẻ em đến 9 tuổi đã tăng lên 21% .
Thấy gì ở bệnh ĐTĐ trẻ em?
Bệnh ĐTĐ týp I ở trẻ em hay “bệnh ĐTĐ vị thành niên” xảy ra khi tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng hormon insulin. Trẻ em vướng vào căn bệnh này đòi hỏi phải tiêm insulin suốt đời và giám sát đường trong máu, cũng như cần thiết phải thay đổi chế độ ăn uống. Đối với bệnh ĐTĐ týp II, mặc dù ít phổ biến ở trẻ em còn nhỏ tuổi, nhưng bệnh cũng phát triển khi tuyến tụy sản sinh không đủ lượng insulin hoặc nó không hoạt động thích hợp. Kết quả là, glucose có thể tăng cao trong máu.
Các triệu chứng phổ biến nhất ở ĐTĐ týp I và II trong số trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm sự gia tăng nhu cầu khát nước và tiểu tiện, mệt mỏi và sụt giảm cân nặng. Một số trẻ em rơi vào tình trạng đói và mờ mắt, trong khi trẻ em gái mắc bệnh ĐTĐ týp I có thể dẫn đến chứng nhiễm trùng nấm men. Các triệu chứng của bệnh ĐTĐ týp I ở trẻ em thường có khuynh hướng phát bệnh nhanh chóng chỉ trong vòng vài tuần.
Những nguy hiểm khi phát hiện bệnh muộn
Theo một cuộc nghiên cứu năm 2012 từ Hội Bệnh ĐTĐ Anh (một tổ chức từ thiện), thì chỉ có 9% phụ huynh Anh có thể xác định ra 4 triệu chứng chính của bệnh ĐTĐ týp I. Một cuộc nghiên cứu gần đây hơn từ hội đã cho thấy rằng, tỷ lệ phần trăm đã gia tăng lên 14%. Nhưng theo bà Barbara Young - Giám đốc Điều hành (CEO) của hội thì điều này là chưa tốt. Bà Barbara Young khẳng định: “Trong quá nhiều trường hợp, trẻ em mắc bệnh týp I đã không được chẩn đoán cho mãi đến khi chúng đổ bệnh và trong một vài trường hợp bi kịch, sự trì hoãn trong chẩn đoán có thể nhận lấy cái chết”.
Khi trẻ bị chẩn đoán ĐTĐ muộn có thể khiến trẻ bị nhiễm toan ceton (bệnh DKA), đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em mắc bệnh tiểu đường týp I. Nếu cơ thể đối mặt với sự thiếu insulin sẽ dẫn đến việc không thể sử dụng glucose để tạo ra năng lượng. Kết quả là, cơ thể sẽ bắt đầu phá vỡ các mô khác để lấy năng lượng dẫn đến việc sản sinh ra các chất hóa học độc hại gọi là ceton. Sự tích lũy các hóa chất dạng này sẽ gây nên bệnh DKA, cơ thể sẽ trở nên bị nhiễm axit. Nếu ĐTĐ được chẩn đoán sớm và được kiểm soát hợp lý thì bệnh DKA sẽ được phòng ngừa.
Xem tiếp trên SK&ĐS số 205 ra ngày 26/12/2014
Nguyễn Hà (Theo MNT)- Theo SK&ĐS
|