Vitamin A là vitamin tan trong dầu, rất cần cho thị giác, cho sự tăng trưởng và cho sự phát triển và duy trì của biểu mô, được dùng dự phòng và điều trị các triệu chứng thiếu vitamin A như bệnh khô mắt, quáng gà; bổ sung cho người bệnh xơ gan nguyên phát do mật hay gan ứ mật mạn tính, thường hay thiếu hụt vitamin A và điều trị một số bệnh về da (loét trợt, trứng cá, vẩy nến).
Những thực phẩm chứa nhiều vitamin A.
Hàng năm, ở Việt Nam có chiến dịch cho trẻ em uống vitamin A trên quy mô toàn quốc để phòng chống thiếu vitamin A và bệnh khô mắt. Hoạt động phòng chống thiếu vitamin A được triển khai với các cách tiếp cận khác nhau: tiếp cận dựa vào thực phẩm, bổ sung vitamin A vào thực phẩm và bổ sung vitamin A liều cao cho các đối tượng nguy cơ cao, giáo dục truyền thông về cách nuôi con theo khoa học, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu khác như tiêm chủng phòng sởi, chống tiêu chảy... Vì vậy, các bà mẹ cần đưa con đi uống vitamin A đầy đủ.
Tuy nhiên cần lưu ý, không được tự ý bổ sung vitamin A cho trẻ, vì khi dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A. Ngộ độc cấp với các dấu hiệu như: buồn ngủ, chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, nôn, dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật, tiêu chảy... Các triệu chứng xuất hiện sau khi uống từ 6 đến 24 giờ. Khi bị ngộ độc mạn người bệnh có dấu hiệu mệt mỏi, dễ bị kích thích, chán ăn, sút cân, nôn, rối loạn tiêu hóa, sốt, gan - lách to, da bị biến đổi, rụng tóc, tóc khô giòn, môi nứt nẻ và chảy máu, thiếu máu, nhức đầu, canxi huyết cao, phù nề dưới da, đau ở xương và khớp. Ở trẻ em các triệu chứng ngộ độc mạn tính còn gồm cả tăng áp lực nội sọ (thóp căng), phù gai mắt, ù tai, rối loạn thị giác, sưng đau dọc các xương dài. Khi ngừng dùng vitamin A thì các triệu chứng cũng mất dần nhưng xương có thể ngừng phát triển do các đầu xương dài đã bị cốt hóa quá sớm.
Khi có dấu hiệu ngộ độc trên cần ngừng thuốc, tiến hành điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
Dược sĩ Hoàng Thu Thuỷ- Theo Báo Sức Khỏe& Đời Sống
|