Chế độ ăn
Trong khi có thai người mẹ phải ăn nhiều hơn bình thường. Trước hết, bữa ăn cần cung cấp đủ năng lượng, chủ yếu dựa vào gạo, ngô, mỳ... Các loại khoai củ cũng cung cấp năng lượng nhưng ít chất đạm, do đó chỉ nên ăn trộn, không ăn trừ bữa. Nên chọn loại gạo tốt, không xay xát quá trắng vì sẽ mất nhiều chất, đặc biệt là vitamin B1 chống bệnh tê phù. Bữa ăn có chất đạm sẽ giúp cho thai lớn, mẹ đủ sữa. Các loại thức ăn động vật như thịt, cá, trứng, sữa có nhiều chất đạm quý. Nhiều loại thức ăn thực vật cũng giàu chất đạm, đó là các loại họ đậu (đậu tương, đậu xanh, đậu đen), lạc hạt, vừng. Nên ăn thêm thịt, cá hoặc đậu, lạc.
Thai phụ không nên uống cà phê, trà đặc. (ảnh minh họa)
Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, mỗi ngày nên ăn thêm 1 quả trứng. Ðậu tương, lạc, vừng và dầu mỡ còn cung cấp cho cơ thể chất béo, làm bữa ăn ngon miệng, chóng tăng cân và dễ hấp thu các chất dinh dưỡng khác. Hằng ngày, bữa ăn của phụ nữ có thai và cho con bú không thể thiếu rau xanh là thức ăn có nhiều vitamin và chất khoáng. Các loại rau phổ biến ở nước ta như rau ngót, rau muống, rau dền, xà lách... có nhiều vitamin. Các loại quả chín như chuối, đu đủ, cam, xoài,... cũng rất cần thiết cho bà mẹ, nên cố gắng ăn thêm hằng ngày. Các loại thức ăn nói trên phần lớn có thể dựa vào vườn rau, ao cá và chuồng chăn nuôi ở gia đình (VAC).
Những điều cần kiêng kỵ
-Không dùng rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc…Trong thời kỳ có thai, chế độ ăn uống rất quan trọng vì có ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Không nên ăn kiêng quá mức, nhưng cũng cần chú ý:
Giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi, dấm. Vì các chất kích thích, gia vị cay, hạt tiêu là một trong những thủ phạm hàng đầu gây chứng buồn nôn ở phụ nữ mang thai. Những thực phẩm này còn là thủ phạm hàng đầu gây bệnh dạ dày nếu ăn nhiều và liên tục. Theo các nhà nghiên cứu, thực phẩm giàu chất béo là nguyên nhân chủ yếu làm phức tạp thêm căn bệnh ốm nghén có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng nôn ói ở thời kì ốm nghén vì vậy, nên tránh những loại thực phẩm này trong suốt ba tháng đầu mang thai. Loại thực phẩm này mất rất nhiều thời gian để tiêu hóa trong dạ dày của thai phụ làm có cảm giác khó chịu. Để giảm bớt triệu chứng ốm nghén có thể bổ sung thêm các dạng thực phẩm giàu chất xơ vào cơ thể như bánh quy khô, bánh mì nướng, ngũ cốc… để giảm triệu chứng buồn nôn.
Không nên ăn thực phẩm sống, nấu chưa chín
Thai phụ cần tuyệt đối không ăn các thực phẩm tái chín, gỏi sống sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ gây bệnh và ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Vì thế cần thực hiện “ăn chín uống sôi” để bảo vệ cho bản thân và cả thai nhi.
Không ăn quá mặn
Thai phụ cần thường xuyên kiểm soát lượng muối trong khẩu phần vì ăn nhiều muối vì dễ gây tăng huyết áp. Bên cạnh đó lượng muối quá nhiều trong cơ thể cũng có thể gây ra hiện tượng phù nề ở thai phụ. Chính vì thế các bà mẹ mang thai cần hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn của mình để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Các món chứa nhiều muối là thịt kho, cá kho, xúc xích, lạp xưởng, thịt hun khói…
Bên cạnh một số trái cây, đồ uống như rượu bia, đu đủ xanh… còn rất nhiều loại thực phẩm khác thai phụ nên cẩn trọng khi ăn uống cũng như không lạm dụng các loại trà thảo dược không rõ nguồn gốc được quảng cáo là giảm triệu chứng nghén.
Mẹ bầu không nên ăn thịt tái sống. (ảnh minh họa)
Chăm sóc người mẹ
Chăm sóc người phụ nữ khi có thai nhằm đảm bảo thai nghén bình thường và sinh đẻ an toàn cho cả mẹ lẫn con. Vì thế, khi có thai, người mẹ cần đến trạm y tế hoặc nhà hộ sinh đăng ký để được nhân viên y tế khám và theo dõi. Mỗi người mẹ đều có phiếu khám thai hoặc phiếu theo dõi sức khỏe tại nhà.
Nên thực hiện việc khám thai định kỳ, ít nhất 3 lần trong suốt thời kỳ thai nghén. Lần thứ nhất vào ba tháng đầu để xác định chắc chắn có thai hay không; lần thứ hai vào ba tháng giữa để xem thai khỏe hay yếu để có kế hoạch bồi dưỡng cho người mẹ kịp thời; lần thứ ba vào ba tháng cuối để xem thai có phát triển bình thường không, thuận hay ngược dự đoán trước cuộc đẻ và ngày sinh. Nếu khám được nhiều lần hơn càng tốt, nhất là ba tháng cuối, mỗi tháng nên khám một lần.
Khi khám thai, người mẹ cần được khám toàn thân: đo chiều cao, cân nặng, đếm mạch, nghe tim phổi, đo huyết áp, thử nước tiểu, phát hiện các yếu tố bất thường như tăng huyết áp, thiếu máu, phù nề và các bệnh tim, gan, thận... Khám sản khoa: đo chiều cao tử cung, vòng bụng, nghe tim thai.
Ðể phòng bệnh uốn ván cho con, người mẹ khi có thai cần được tiêm phòng uốn ván, tiêm hai lần: mũi thứ nhất vào tháng thứ tư hoặc thứ sáu, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất một tháng và trước khi đẻ ít nhất nửa tháng. Trong thời kỳ có thai, nhất là ở các tháng cuối, có thể có hiện tượng “xuống máu chân”, phù nhẹ ở chân. Nếu thấy phù toàn thân kèm nhức đầu, mờ mắt thì có thể do nhiễm độc thai nghén, phải đi khám, thử nước tiểu, đo huyết áp, hạn chế ăn muối. Thường xuyên đi khám để tránh tai biến khi đẻ.
Khi có thai, cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc, tiêm chủng, chiếu, chụp điện vì rất dễ gây rối loạn phát triển thai. Thí dụ, khi mới có thai, dùng vitamin A liều cao có thể làm thai phát triển không bình thường; dùng thuốc kháng sinh có thể làm trẻ bị điếc. Một số thuốc nội tiết, an thần có thể gây sảy thai, thai chết lưu, rối loạn phát triển của thai hoặc bị bệnh sau khi đẻ. Do đó khi cần dùng thuốc, phải theo chỉ định của thầy thuốc.
Chế độ lao động, nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Nên lao động chân tay và trí óc một cách điều độ, tránh lao động quá sức. Vào tháng cuối, người mẹ cần được nghỉ ngơi để có thời gian chuẩn bị cho con, cho mẹ có sức khỏe tốt, tránh được tai biến khi đẻ.