Triệu chứng dễ gây nhầm lẫn
Chị L.C, 32 tuổi vào cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng đi tiểu gắt, nặng tức vùng bụng dưới và choáng váng. Theo chị C, chị đang trong chu kỳ kinh nhưng lần này thấy bị tiểu khó, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc. Theo lời mách bảo của người bạn, chị C có mua thuốc trị nhiễm trùng tiểu tại tiệm thuốc tây về uống nhưng thấy bệnh tình có vẻ trầm trọng hơn.
Qua thăm khám nhanh tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ nghi ngờ chị C bị thai ngoài tử cung, có khả năng đã vỡ khối thai vào trong ổ bụng làm máu ứ đọng, kích thích đường tiểu, gây các triệu chứng giống nhiễm trùng đường tiểu.
Đồng thời, sự chảy máu vào ổ bụng tiến triển gây tụt huyết áp, thiếu máu lên não làm chị choáng váng và muốn xỉu. Sau quá trình chẩn đoán, chị C được tiến hành phẫu thuật nội soi cầm máu bởi các bác sĩ chuyên khoa Phụ sản của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
“Do tôi bị ra huyết như hành kinh nên không biết mình bị mang thai ngoài tử cung. Đến giờ mới tôi biết đó cũng là triệu chứng rối loạn kinh nguyệt do xuất huyết của thai ngoài tử cung gây ra.” chị C tâm sự.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Hậu (Khoa Phụ sản, BV Đại học Y Dược TP.HCM) triệu chứng của chị C là triệu chứng gây nhầm lẫn nhiều nhất, làm người bệnh mất cảnh giác, gây chậm trễ đến khám và nhập viện. Tam chứng kinh điển (ba triệu chứng đồng thời) là trễ kinh, đau bụng và ra huyết, tuy nhiên không phải lúc nào cũng biểu hiện đầy đủ và rõ ràng ở người bệnh.
Thông thường, chị em cũng khó nhớ rõ nếu chỉ trễ kinh vài ngày. Đặc biệt sau đó xuất hiện xuất huyết rỉ rả của triệu chứng thai ngoài tử cung, điều này càng làm cho chị em chủ quan hơn vì cứ nghĩ đang trong chu kỳ của mình.
Trung bình mỗi tháng khoa Phụ sản của BV Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận chẩn đoán và phẫu thuật khoảng 8-10 trường hợp tương tự.
Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu thăm khám cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, thai ngoài tử cung là tình trạng trứng đã thụ tinh làm tổ ngoài buồng tử cung, thường gặp ở vị trí vòi trứng và có khi ngay cả trong ổ bụng. Tần suất thay đổi, nhưng có thể gặp đến 10-12 trường hợp trên 1000 trường hợp mang thai.
Thông thường thai ngoài tử cung xảy ra khi có sự cản trở trứng thụ tinh từ vòi trứng vào buồng tử cung làm tổ. Tình trạng này thường do viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu, khối u chèn ép vòi trứng ngay cả nạo phá thai nhiều lần hay thường xuyên dùng các loại viên tránh thai khẩn cấp cũng là những lý do góp phần bệnh này dễ xuất hiện hơn.
Theo sự diễn biến sinh lý tự nhiên, việc phát triển của khối thai làm tăng lượng máu nuôi đến vùng chậu giúp khối thai phát triển tốt. Nhưng nếu thai nằm ngoài buồng tử cung, sự phát triển mạch máu này trở nên bất lợi khi khối thai vỡ ra gây mất máu nhanh chóng, gây tụt huyết áp trầm trọng, choáng váng, ngất xỉu.
Nếu không cứu chữa kịp thời bằng phẫu thuật cầm máu (đôi khi vừa truyền máu vừa phẫu thuật) sẽ dẫn đến người bệnh bị hôn mê, suy chức năng tất cả các cơ quan trong cơ thể và tử vong.
Phát hiện sớm giúp giảm các biến chứng
Tình huống của chị M, 19 tuổi, sinh viên năm hai của một trường đại học thì khả quan hơn. Sau khi ăn sinh nhật bạn về thì bị đau bụng kèm tiêu phân nước nhiều lần. Chị M cũng được y tế cơ quan cho thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa nhưng qua một ngày triệu chứng không thuyên giảm.
Do kinh nguyệt không đều nên chị M không biết mình có trễ kinh hay không? Nhưng chị khẳng định mình không thể có thai vì luôn uống thuốc ngừa thai khẩn cấp đầy đủ. Qua thăm khám và siêu âm cấp cứu, các bác sĩ phát hiện chị bị thai ngoài tử cung trong sự ngỡ ngàng của chị.
Tuy nhiên, khối thai chưa vỡ và còn nhỏ nên chị được nhập viện và điều trị nội khoa bằng thuốc mà không cần phải phẫu thuật.
Theo PGS TS BS Ngô Thị Kim Phụng – Phụ trách phòng khám khoa Sản phụ khoa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, những trường hợp thai ngoài tử cung đến sớm, chưa vỡ, kích thước khối thai còn nhỏ…đều có thể điều trị nội khoa bằng thuốc. Sự tiến bộ này giúp người bệnh tránh được cuộc mổ, tránh các biến chứng phẫu thuật, bảo tồn được vòi trứng cho khả năng sinh sản về sau.
Sự khác nhau giữa thai bình thường và thai ngoài tử cung.
Rõ ràng trong hai tình huống cấp cứu nêu trên người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng điển hình của thai ngoài tử cung. Việc xuất hiện các triệu chứng mót tiểu, tiểu gắt, rối loạn tiêu hóa do triệu chứng của thai hành, kích thước khối thai cũng như máu trong ổ bụng khi khối thai vỡ làm kích thích bàng quang, kích thích đường ruột gây nhằm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa, đường tiết niệu.
Thậm chí người bệnh cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, viêm nhiễm vùng chậu…Việc chủ quan của người bệnh và sự sơ sài trong quá trình thăm khám sẽ dễ bỏ sót bệnh lý nguy hiểm này.
Thai ngoài tử cung là một cấp cứu sản phụ khoa khẩn cấp, thời gian tính bằng phút, bằng giờ. Chính vì vậy, người bệnh cần để ý các triệu chứng sớm, đến được các cơ sở y tế có đủ phương tiện chẩn đoán và phẫu thuật sớm giúp tiên lượng cho người bệnh tốt hơn, thậm chí còn có thể được điều trị nội khoa không cần phẫu thuật giúp bảo tồn khả năng sinh sản về sau.
Việc tuân thủ tốt những lời khuyên của bác sĩ giúp chị em hạn chế đáng kể sự xuất hiện của bệnh lý này như khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện và điều trị các bệnh lý viêm nhiễm không gây triệu chứng; phụ nữ tuổi sinh đẻ cần tư vấn các biện pháp ngừa thai hợp lý của bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa như thuốc ngừa thai uống hằng ngày, bao cao su, dụng cụ tránh thai,…tránh để mang thai ngoài ý muốn sau đó nạo phá thai nhiều lần; đồng thời cũng cần tư vấn sử dụng các thuốc viên tránh thai khẩn cấp một cách hợp lý, tránh tự ý dùng nhiều lần.
Khi thấy đau bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn triệu chứng đường tiết niệu trong lúc ra huyết, hành kinh, hay trễ kinh người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.
Theo Eva sức khỏe