Viêm VA không nguy hiểm tính mạng nhưng thường tái phát và gây các biến chứng như: viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa thanh dịch, viêm mũi xoang, viêm họng, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa… Ngoài ra, khi VA quá phát to, chèn ép vào cửa mũi sau, gây nghẹt mũi nên trẻ phải thở bằng miệng, khi đó lượng ôxy vào cơ thể thấp hơn. Thiếu ôxy, trẻ có biểu hiện lừ đừ, không năng nổ, kém thông minh, hay ngủ gật, học hành sa sút…
Nếu VA quá phát to phối hợp với viêm amidan khẩu cái làm tắc nghẽn hô hấp, gây nên hội chứng ngừng thở trong lúc ngủ. Thêm vào đó, tình trạng cơ thể thiếu ôxy và thừa CO2 dễ dẫn đến biến chứng lên phổi và tim. Nếu mũi không hoạt động lâu ngày thì xương hàm trên không phát triển đúng, nhỏ hơn so với xương hàm dưới; hàm trên vẩu, xương hàm dưới nhô ra, da xanh, miệng há, 2 mắt mở to… gây dị dạng mặt.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng -Theo SK & ĐS
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh viêm VA , cần giữ vệ sinh mũi họng cho trẻ như: nhỏ nước muối sinh lý 9‰ hay xịt dung dịch nước muối biển vào mũi cho trẻ. Khi trẻ bị chảy nước mũi thì việc rửa mũi và hút mũi rất quan trọng, giúp loại bỏ mủ và dịch viêm khỏi mũi, làm trẻ dễ thở, mau khỏi bệnh. Khi trẻ bệnh thì nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị tốt bệnh viêm VA , tránh các biến chứng.
|