Vặn mình
Khoảng hai tuần tuổi, bé rất hay vặn mình, ngọ nguậy như con sâu. Theo BS Nguyễn Trí Đoàn - Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare TP.HCM, chứng vặn mình có rất nhiều “truyền thuyết”, có nơi cho rằng do thiếu sinh tố D; có vùng lại cho rằng lưng có lông… gây ngứa; có người lại đổ cho lúc giặt quần áo của bé, cha mẹ vặn (vắt nước) kiệt quá nên bé vặn mình. Thực tế, não bé sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh. Quá trình hoàn chỉnh bộ não theo chiều từ đầu đến chân, biểu hiện là bé phát triển vận động qua các giai đoạn nằm - ngồi - đứng chựng - đi. Khi bé kiểm soát được thân thể thì sẽ hết vặn mình. Thông thường từ hai tuần tuổi trở đi, bé sẽ vặn vẹo và hết vặn khi chừng bốn tháng tuổi.
Nằm phòng kín gió
Ông bà xưa khuyên “bà đẻ nằm phòng kín gió”. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp bé bị vàng da nhưng phát hiện trễ, để lại hậu quả đau lòng. Theo BS Nguyễn Thụy Minh Thư - bộ môn Nhi, khoa Y, Đại học Y Dược TP.HCM thì kín gió nhưng không được thiếu nắng. Bé cần được ra nắng vì:
- Ánh nắng giúp cơ thể bé tổng hợp sinh tố D, chống còi xương.
- Dưới ánh nắng, mẹ sẽ quan sát thấy hiện tượng vàng da sơ sinh sớm và chính xác hơn trong phòng tối. Vàng da sơ sinh nếu phát hiện muộn có thể gây biến chứng, khiến bé chậm phát triển trí tuệ.
Bé cần được phơi nắng sớm (trước tám giờ sáng) mỗi ngày khoảng 15 phút. Khi không thể phơi nắng do thời tiết, cần cho bé uống bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là phơi nắng cho bé.
Rơ lưỡi bằng mật ong
Rơ lưỡi cho bé sau khi sinh bằng mật ong để sát trùng đường tiêu hóa là cách làm mà các vị “tiền bối” thường hướng dẫn cho bà mẹ trẻ. Mục đích chính là mật ong sẽ làm sạch những chất bẩn trong miệng trẻ. Điều này không sai vì mật ong có tính sát trùng nhẹ. Tuy nhiên, mật ong có thể ẩn chứa nguy cơ dị ứng (vì được ong thu thập từ phấn hoa, một loại tác nhân gây dị ứng), không nên dùng cho trẻ còn nhỏ. Ngoài ra, cũng cần chắc chắn đó là mật ong thật, không có hóa chất bảo quản, nếu không sẽ gây hại cho bé.
Thương yêu không đúng cách
Tại buổi hội thảo “Mẹ khỏe bé ngoan” do Mommy Spa (TP.HCM) tổ chức ngày 19/10/2014, BS Nguyễn Trí Đoàn đã chỉ ra “thủ phạm” làm bé bị lây bệnh nhiều nhất chính là tay và miệng. Tay người lớn cầm nắm bàn phím máy tính, điện thoại, nắm cửa nhà vệ sinh, cần gạt toa lét… rồi bế bé có thể truyền vi sinh vật gây bệnh cho bé. Do đó, trước khi chăm sóc trẻ, cần rửa tay. Rửa tay đúng cách bằng xà bông trong khoảng 20 giây mới diệt được khuẩn. Nếu không có thời gian, có thể rửa tay bằng nước sát trùng, chỉ cần hai giây là đủ diệt khuẩn. Khi đi từ bên ngoài vào nhà, nên tắm rửa, thay quần áo rồi mới chơi với bé. Người lớn rất thích hôn má bé. Cách hôn này truyền bệnh cho bé rất nhanh. Ngoài ra, khi bế bé, tuyệt đối không lắc, rung bé vì không tốt cho bộ não non nớt đang phát triển của bé.
Ọc sữa
Chứng ọc sữa bé nào cũng có, chỉ ít hay nhiều tùy mỗi bé và cách nuôi. Bésơ sinh có dạ dày nằm ngang, cơ siết bên trên dạ dày chưa đủ mạnh nên dễ bị ọc sữa (trào ngược dạ dày, thực quản). Ngoài nguyên nhân về dạ dày, còn có các nguyên nhân khác: mặc tã quá chật, bú sữa bình đục lỗ to nên bú quá nhanh, sữa không ngập núm vú bình khiến bé nuốt nhiều không khí, bé ngậm không hết núm vú… Để tránh bị ọc sữa, nên cho bé ợ hơi và bế bé 10 - 15 phút…
Nuôi con theo… đồng hồ
Nhiều người mẹ nuôi con theo sách, cứ ba giờ đánh thức con dậy cho bú trong khi bé chưa đói. Cũng có người nuôi theo... con hàng xóm, thấy con người ta ăn bao nhiêu thì cho con mình ăn bấy nhiêu. Bé bị ép ăn sẽ ợ, trớ, nôn ói… Không ít người sau khi con ói, sợ con đói nên vội vàng pha ngay bình sữa khác cho con ăn. Để bé không gặp sự cố khi ăn uống, cần tôn trọng bé. Bởi, đói là bản năng sinh tồn, khi đói bé sẽ đòi ăn và ăn rất ngon, không nên đánh thức bé khi đang ngủ, hoặc ép bé ăn cho kỳ được. Cách ăn này chỉ làm bé mệt mà thôi.
Ủ ấm quá mức
Sợ bé lạnh, các bậc cha mẹ thường cho bé mặc quá nhiều quần áo khi ngủ, khiến thân nhiệt bé tăng, dẫn tới nguy cơ tử vong đột ngột. Ngoài ra, nôi của bé có nhiều gối ôm, thú bông cũng không tốt vì dễ làm bé ngạt thở.
Theo SK&ĐS
|