Vitamin A (tên khoa học là Retinol) là một thành phần dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể. Vitamin A chỉ có trong thức ăn động vật, nhưng trong thức ăn thực vật lại có nhiều provitamin A - các sắc tố carotennoit - khi vào cơ thể nó sẽ chuyển thành vitaminA. Trong các sắc tố, beta-caroten có hoạt tính sinh học cao nhất, gấp 2 lần các carotenoit khác. Các loại rau có màu xanh đậm, các loại quả có màu da cam chứa nhiều beta-caroten. Vitamin A và các carotenoit rất nhạy cảm với oxy trong không khí và ánh sáng. Chúng tương đối bền vững với nhiệt, tan trong chất béo và không tan trong nước.
Vitamin A có rất nhiều chức phận quan trọng trong cơ thể, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da, niêm mạc. Khi thiếu trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như: tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng đưa đến khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa. Nhu cầu vitamin A ở trẻ em khoảng 400 - 500mcg/ngày.
Vitamin A có ở đâu?
Vitamin A có nguồn gốc từ hai loại thức ăn, đó là thức ăn có nguồn gốc động vật và thức ăn có nguồn gốc thực vật.
Thức ăn có nguồn gốc động vật: thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A hay retinol tốt nhất, hầu hết ở dạng retinil ester. Vì gan là nơi dự trữ vitamin A, nên gan có thành phần retinol cao nhất. Chất béo từ thịt và trứng cũng chứa một lượng vitamin A đáng kể. Các thức ăn có hàm lượng vitamin A cao trong 100g thực phẩm ăn được: gan gà 3.290mcg, gan lợn 6.000mcg, gan vịt 11.984mcg, trứng gà 700mcg, trứng vịt 360mcg, bơ 600mcg, sữa bột toàn phần 318mcg...
Các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A (beta-caroten) như: các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm. Theo các nghiên cứu gần đây, khi vào cơ thể, tiền vitamin A sẽ được chuyển thành vitamin A (theo tỉ lệ 12:1 đối với hoa quả chín và 22-24: 1 đối với rau xanh). Các loại rau xanh và hoa quả có nhiều beta-caroten trong 100g thực phẩm như: rau ngót 6.650mcg, rau dền đỏ 4.080mcg, rau dền cơm 5.300mcg, rau muống 5.597mcg, gấc 52.520mcg, cà rốt 5.040mcg, ớt vàng to 5.790mcg, đu đủ chín 2.100mcg, hồng đỏ 1.900mcg…
Chế độ dinh dưỡng bổ sung vitamin A
Vitamin A có trong các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm
Giải pháp cải thiện tình trạng thiếu vitamin A một cách bền vững là sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin A trong các bữa ăn hàng ngày như:
Chế độ ăn đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm. Nhóm cung cấp chất bột đường, chất đạm gồm: trứng; sữa; thịt cá các loại; đậu phụ và đậu đỗ; chất béo (dầu và mỡ); rau có màu xanh thẫm, củ quả màu vàng, và các loại rau củ khác giàu vitamin - khoáng chất thiết yếu.
Gan có vitamin A cao nhất trong động vật
Ăn đa dạng thực phẩm: thay đổi thực phẩm thường xuyên, nên ăn 15 - 20 loại thực phẩm mỗi ngày.
Sử dụng các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, cần uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi (đối với 22 tỉnh, thành phố khó khăn, nơi có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao) theo định kỳ 1 năm 2 lần vào đầu tháng 6 và tháng 12 hàng năm, các bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng cần uống bổ sung 1 liều vitamin A.
BS. NGUYỄN VĂN TIẾN - Theo SK & ĐS
|