Tật ngón tay bật ở trẻ là tình trạng giới hạn cử động ngón tay, hoặc là bị kẹt ngón tay không duỗi ra được, gây đau và khó khăn trong vận động, sinh hoạt. Nếu không được can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và chức năng của đôi bàn tay.
Tật ngón tay bật là gì?
Bình thường ngón tay có thể cử động được là do hệ thống dây kéo được gọi là gân gấp ở mặt lòng và các gân duỗi ở mặt lưng ngón tay. Gân gấp nằm trong ống bao gân không thể bị trật vị trí ra bên ngoài được nhờ vào cấu tạo chắc chắn của các dây chằng.
Hình ảnh trẻ bị tật ngón tay bật.
Vì nguyên nhân nào đó bao gân gấp dầy lên làm lòng bao gân hẹp lại, gân gấp trượt trong bao gân sẽ khó khăn, ngay chỗ hẹp gân bị thắt lại, phía trên chỗ hẹp gân bị phình ra tạo thành nút, khi duỗi ngón tay nút này sẽ kẹt không vượt qua được chỗ hẹp làm ngón tay không duỗi được, bị co rút ở tư thế như cò súng, nếu cố gắng duỗi nút này vượt qua chỗ bao gân hẹp sẽ gây ra tiếng “bật” và gây đau chói, được mô tả là tật ngón tay bật (hay còn gọi là ngón tay cò súng).
Có nhiều nguyên nhân gây tật ngón tay bật, nhưng chủ yếu là do tình trạng viêm gân - bao gân gây ra do các chấn thương nhẹ liên tục kéo dài, di truyền, bẩm sinh,... Trẻ bị tật ngón tay bật bẩm sinh nguyên nhân là yếu hoặc liệt cơ duỗi ngón tay hoặc do một u nhỏ trong bao gân cơ duỗi ngón tại vị trí giữa xương bàn tay - đốt lóng tay gây kẹt, hạn chế hoạt động của gân cơ.
Vật lý trị liệu sử dụng nẹp mềm giữ ngón cái trong tư thế chức năng.
Dấu hiệu nhận biết
Tật ngón tay bật có thể xảy ra ở bất cứ ngón nào của bàn tay nhưng thường gặp nhất là ở ngón cái. Dấu hiệu chính là ngón tay bị vướng khi cử động gập duỗi. Khi ngón tay ở tư thế duỗi thẳng thì bệnh nhân khó co gập lại và khi ngón tay đang co lại thì bệnh nhân khó duỗi thẳng ra. Khi cố ý bẻ cho ngón tay thẳng ra thì rất đau và lúc thẳng ra được thì bệnh nhân có thể nghe một tiếng kêu “bật”.
Có thể nhận biết mức độ nặng nhẹ của tật qua từng gia đoạn: Giai đoạn đầu, ngón tay bị tật vẫn có thể co duỗi như một ngón bình thường nhưng hơi gượng, không trơn tru. Giai đoạn sau, ngón tay chỉ có thể duỗi với một lực nắn tương đối mạnh, đau, sưng nơi khớp bàn đốt. Giai đoạn cuối, ngón tay cố định ở vị trí gấp khó duỗi ra được. Thông thường có thể sờ thấy một nốt sần nhỏ ở vị trí khớp bàn đốt ngón 1.
Cần phát hiện và điều trị sớm
Tật ngón tay bật ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường rất khó phát hiện vì trong những tháng đầu, các bé luôn nắm chặt bàn tay lại. Thường bố mẹ chỉ tình cờ phát hiện bất thường này khi trong khi trẻ chơi, xòe bàn tay. Có một số ít trường hợp sẽ tự hết trong vòng 1 tuổi, nhưng sau 1 tuổi thì khả năng tự khỏi là rất thấp. Nếu để lâu không phát hiện và can thiệp sớm, ngón tay không duỗi ra được, lâu ngày gân gấp sẽ bị xơ hóa ảnh hưởng chức năng cầm nắm của trẻ.
Do vậy cần điều trị sớm để ngón tay trẻ bình thường trở lại, nhằm phát triển tốt chức năng của đôi bàn tay, trong đó ngón cái là quan trọng.
Ngay từ khi trẻ mới sinh, cha mẹ cần chú ý phát hiện tật này ở trẻ bằng cách: Khi trẻ thức, chơi đùa bố mẹ cần để ý lúc cháu xòe bàn tay ra các ngón tay có thẳng hay không, nếu ngón tay cái không thẳng, hoặc đốt cuối của ngón cái bị gập lúc trẻ xòe thẳng các ngón tay, khi bẻ gập ngón tay cái của trẻ thì đốt cuối lại thẳng ra. Hoặc nếu thấy ngón tay cái con mình hay bị co rút lại, nếu cố duỗi ra thì một lát sau vẫn co lại như cũ hoặc bé đau, khóc không cho mẹ làm thì có thể trẻ bị tật ngón tay bật. Khi đó nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra và có chỉ định điều trị thích hợp.
Cần đưa trẻ đi khám sớm nếu trẻ có biểu hiện bất thường vận động ở bàn tay. Ảnh:MH
Khi được phát hiện và can thiệp sớm, nhất là lúc trẻ dưới 1 tuổi thường không phải phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp vật lý trị liệu, có thể hồi phục tốt nếu phát hiện sớm và tập sớm, lúc bao gân gấp và gân gấp còn mềm, chưa bị viêm xơ nhiều.
Tuy nhiên khả năng thành công của vật lý trị liệu giảm dần theo số tuổi bệnh nhi. Vì vậy đối với trẻ lớn hơn thường phải điều trị phẫu thuật. Điều trị phẫu thuật được tiến hành cho những trường hợp ngón tay đã tập vật lý trị liệu nhưng không có kết quả. Mục đích của phẫu thuật là mở rộng bao gân gấp, giúp cho gân gấp trượt dễ dàng hơn. Có thể mổ từ lúc hơn 1 tuổi, nhưng ở trẻ 2 tuổi thì cấu trúc bao gân và gân lớn hơn, việc phẫu thuật sẽ thuận lợi hơn. Đây là loại phẫu thuật đơn giản, thực hiện chỉ trong vòng khoảng 10 phút. Bệnh nhi có thể xuất viện trong ngày. Vết mổ nhỏ và lành trong khoảng 1 tuần. Tỷ lệ tái phát rất thấp, chủ yếu là mở rộng không đủ bao gân gấp, khiến gân gấp vẫn còn bị cản trở khi trượt trong bao gân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức - Theo SK & ĐS
|