Tháng 9 - nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước có khoảng 17.410 trường hợp mắc dịch TCM tại 62/63 tỉnh thành, một số trường hợp tử vong. Riêng khu vực TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay đã có gần 6.100 ca TCM và 4.500 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Đặc biệt, khoảng 30% số ca bệnh nhập viện chủ yếu ở các quận/huyện ngoại thành như: Bình Chánh, Bình Tân, quận 8.
Hình thành thói quen rửa tay cho trẻ từ khi còn nhỏ.
Tại BV Nhi đồng 1, BS. Nguyễn Minh Tiến - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, trong những tuần qua, chỉ có rải rác vài ca TCM phải vào điều trị nhưng đều đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, khu khám bệnh của BV này vẫn luôn đông bệnh nhi do phải tiếp nhận nhiều ca bệnh về hô hấp, tiêu hóa, TCM, sốt xuất huyết... ở mức độ nhẹ đến từ các tỉnh lân cận.
Theo các bác sĩ nhi khoa, tháng 9 sẽ là thời điểm đáng lo ngại bởi nhiều dịch bệnh có thể cùng tăng cao như TCM, sốt xuất huyết, hô hấp... “Thời điểm nhập học, nhiều trẻ tập trung tại các trường có thể tạo cơ hội cho bệnh lây lan. Bệnh TCM, sốt xuất huyết cũng sẽ tăng vì đỉnh dịch thường nằm ở cuối mùa mưa. Tuy nhiên, nhiều trẻ chưa đi học cũng mắc TCM vì bị lây truyền từ phụ huynh. Do vậy, cha mẹ nên hết sức lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ khi chăm sóc con. Nếu trẻ sốt đến ngày thứ hai hoặc sốt quá cao mà không hạ dù đã dùng thuốc, cần đưa đến bệnh viện ngay để được theo dõi chẩn đoán và điều trị bệnh phù hợp” - BS. Tiến khuyến cáo.
Hình thành thói quen rửa tay
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh TCM, sốt xuất huyết, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa gửi văn bản đến các cơ sở y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh TCM, sốt xuất huyết trong mùa tựu trường. Để chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh vào mùa khai trường, Sở Y tế giao cho Trung tâm Y tế dự phòng TP triển khai tháng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng từ ngày 1/9 - 1/10/2014. Trung tâm Y tế dự phòng các quận/huyện phối hợp với Phòng giáo dục - đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo như: khử khuẩn hàng tuần, dọn dẹp các vật dụng ứ đọng nước, không để muỗi sinh lăng quăng sinh sôi... Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND quận/huyện chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch bệnh địa phương, trọng tâm là khu vực trường học, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình.
Theo các chuyên gia y tế, “bệnh lười rửa tay” chính là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ mắc bệnh rất cao. Khi đi học, trẻ tiếp xúc nhiều với phấn, bảng, giẻ lau... nhưng không phải trẻ nào cũng có thói quen rửa tay ở trường nên khả năng trẻ mắc bệnh do lây nhiễm virut, vi khuẩn từ tay qua miệng vào cơ thể là rất cao. Do đó, trẻ đi học có nhiều nguy cơ mắc các bệnh phổ biến như viêm đường hô hấp cấp, bệnh cúm, bệnh TCM, bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus... Hiện nay, mặc dù số ca bệnh TCM chưa có dấu hiệu gia tăng, tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh đang rình rập trẻ trong mùa tựu trường. Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và người chăm trẻ; vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần đối với đồ chơi và khu vực vui chơi của trẻ; thực hiện ăn chín, uống sôi, không cho trẻ ăn chung thìa, bát.., trong đó một việc rất nhỏ nhưng có hiệu quả cao về phòng chống dịch bệnh là giáo viên cần chỉ dạy, hướng dẫn cho học sinh, trẻ nhỏ hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh...
Thanh Hà- Theo SK& ĐS.
|