Loãng xương là bệnh lý của hệ thống xương làm giảm tỉ trọng khoáng chất của xương kết hợp với sự hư biến cấu trúc của xương làm cho xương mỏng mảnh và yếu đến mức rất dễ gãy dù bị chấn thương rất nhẹ, thậm chí có thể gãy tự nhiên. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhất là nữ giới sau mãn kinh và là nguyên nhân dẫn đến gãy xương, tàn phế nếu không biết cách phòng ngừa.
Vì sao loãng xương?
Loãng xương có thể do tiên phát hoặc do thứ phát.
Loãng xương tiên phát (týp 1): xuất hiện từ trên 5 năm sau tuổi mãn kinh, còn gọi là loãng xương sau mãn kinh. Trong 5-10 năm đầu của thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương có thể lên đến 2-4% khối lượng xương mỗi năm. Đặc trưng của loãng xương này là sự mất xương chủ yếu ở xương xốp và thường gây ra gãy lún các đốt sống, gãy đầu dưới xương quay. Trong loãng xương sau mãn kinh, ngoài thiếu hụt oestrogen người ta còn thấy giảm tiết hormon cận giáp tăng tiết canxi qua thận, suy giảm hoạt động vitamin D3 dẫn tới giảm hấp thu canxi ở ruột.
Loãng xương tiên phát (týp 2): liên quan đến tuổi, xuất hiện ở nữ nhiều gấp 2 lần nam, là hậu quả của sự mất xương chậm trong vòng vài chục năm, biểu hiện chính là gãy cổ xương đùi, gãy lún các đốt sống do tổn thương xuất hiện đồng đều trên cả xương đặc (vỏ xương) cũng như xương xốp (bè xương). Loại loãng xương này liên quan tới hai yếu tố quan trọng là giảm hấp thu canxi, giảm chức năng tạo cốt bào, dẫn tới cường cận giáp trạng thứ phát.
Loãng xương thứ phát: Được phát hiện ở cả hai giới và thường là hậu quả của một số bệnh ảnh hưởng tới rối loạn chuyển hóa chất khoáng của xương.
Hình ảnh xương bình thường (trái) và loãng xương (phải).
|
Biểu hiện khi bị loãng xương
Đau cột sống: Đau cột sống lưng hoặc cột sống thắt lưng cấp xảy ra sau 1 tuần và tương ứng với việc nén xương đột ngột do gắng sức nhẹ, ngã hoặc một động tác sai. Tiếng kêu rắc khi vận động thường đi kèm với đau, có khi buộc phải nằm nghỉ. Cơn đau cấp tính liên hệ tới sự nén cột sống kinh diễn, nặng lên khi có một gắng sức do ngồi hoặc đứng ở tư thế kéo dài, đỡ đau khi nghỉ ngơi.
Biến dạng cột sống: thường nặng và sau nhiều năm mới xảy ra, lưng còng, xẹp đốt sống, chiều cao giảm dần theo tuổi (sự giảm này có thể bằng hoặc giảm quá 12cm). Khi sờ có thể thấy các xương sườn ở cuối cùng chạm mào chậu. Đến giai đoạn này thì sự giảm chiều cao sẽ ngừng lại.
Gãy xương: thường ở phần thấp cẳng tay, cổ xương đùi, cổ xương cánh tay, xương sườn và cột sống. Thấy rất đau cột sống và mất đi sau nghỉ ngơi 4-6 tuần, không gây ra ép tủy; gãy xương đùi có thể nguy hiểm cho người bệnh vì các biến chứng do nằm lâu ảnh hưởng tới vận động trong tương lai; Nén đốt sống thường xảy ra ở tuổi 55-70, còn gãy cổ xương đùi thường xảy ra muộn hơn; gãy xương chậu cũng thường xảy ra.
Điều trị và phòng bệnh
Điều trị bệnh loãng xương bao gồm những biện pháp như: thuốc chống đau giãn cơ, vận động thể dục thể chất phù hợp (đặc biệt duy trì trọng lượng cơ thể, tập lưng thẳng, tập bụng). Đề phòng té ngã khi đi đứng, chế độ ăn hợp lý, giảm hoặc ngưng các yếu tố nguy cơ, sử dụng nẹp lưng chỉnh hình, sử dụng thuốc điều trị thích hợp.
Chúng ta cũng biết rằng, cùng với tuổi tác, canxi cũng giảm từ từ một cách không tránh được, từ 20-80 tuổi khối lượng xương mất theo tuyến tính khoảng 30%. Ở phụ nữ nặng hơn vì thêm rối loạn sau mãn kinh, tỷ lệ có thể tới 40% ở tuổi 80. Để phòng bệnh hiệu quả, các biện pháp sau đây cần được chị em quan tâm đúng mực.
Liệu pháp vận động, không vận động nhất là bệnh nhân bị bất động tại giường sẽ làm nặng thêm tình trạng loãng xương trong các đợt đau cấp đúng vào lúc cột sống xảy ra nên cột sống bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và dùng thuốc chống đau. Nhưng tránh bất động hoàn toàn. Cần phải vận động thụ động và chủ động các chi để duy trì vận động các khớp và cơ, phòng các biến chứng nằm lâu. Trường hợp có điều kiện, cho bệnh nhân vận động trong bể nước nóng. Việc vận động trong bể nước nóng bị chống chỉ định khi có một bệnh phủ tạng kết hợp với loãng xương. Mặc áo nịt ngực cứng hoặc nửa cứng giúp bệnh nhân dễ ngồi dậy nhưng chỉ trong một vài tuần sau khi bị nén cột sống. Ngoài cơn đau phải hướng dẫn bệnh nhân vận động nhẹ cột sống, thở nhẹ và sâu dần tránh vận động quá mạnh có thể gây gãy xương. Nếu có thể cho bệnh nhân bơi từng đoạn ngắn.
Chế độ ăn: Chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng và đủ chất canxi. (thực phẩm giàu canxi là tôm, cua, trứng, sữa...). Trong điều kiện có thể, mỗi ngày nên uống 1/4 lít sữa tươi hoặc 2 hộp sữa chua.
Thực ra, đề phòng loãng xương ở tuổi sau mãn kinh người ta phải chú ý tới chế độ ăn và luyện tập từ khi còn trẻ.
BS. Trần Quang Nhật - Theo SK & ĐS
|