Suy thận mạn là hậu quả của các bệnh mạn tính của thận gây giảm sút từ từ số lượng nephron chức năng, làm giảm dần mức độ lọc cầu thận. Suy thận mạn gây rối loạn chuyển hóa và giảm đào thải nitơ phi protein như urê, axít uric, creatinin... Thận không còn đủ khả năng duy trì tốt sự cân bằng của nội môi và sẽ dẫn đến hàng loạt những biến loạn về sinh hóa và lâm sàng của các cơ quan trong cơ thể. Bệnh tiến triển một cách âm thầm trong một thời gian dài mà không có triệu chứng rõ rệt. Nếu không khám định kỳ, rất khó có thể phát hiện được bệnh.
Nguyên nhân do đâu?
Ngoài nguyên nhân bẩm sinh thì có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến suy thận mạn tính như: Chế độ ăn nhiều muối, đường, protid, lipid, ít vận động... Hoặc một số bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ trong máu, nhiễm khuẩn đường niệu, bệnh về mạch máu, bệnh tim, viêm cầu thận, hồng cầu hình liềm, béo phì, dùng thuốc kháng viêm - giảm đau thường xuyên, sử dụng quá nhiều thuốc, nhất là nhóm thuốc chống viêm nhiễm (NSAID) cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng lọc thận, dẫn đến suy thận.
Người bệnh thận mạn tính nên dùng các thực phẩm như na, đu đủ, dứa, thanh long...
Dấu hiệu nhận biết
Suy thận mạn tính có thể không trở thành rõ ràng cho đến khi chức năng thận có ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của suy thận mạn tính, có thể có vài dấu hiệu hoặc triệu chứng sau:
Khi mắc người bệnh thường tiểu nhiều vào ban đêm, tiểu khó, tiểu dắt, buốt, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường; nước tiểu có máu, màu sậm hoặc có khi đục, nhất là buổi sáng. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi do tình trạng thiếu máu hoặc do tích tụ nhiều chất cặn bã trong cơ thể do chức năng thận suy giảm. Ngủ không ngon giấc, thay đổi tính tình. Chán ăn, ăn không ngon miệng và hay có cảm giác buồn nôn, đặc biệt là khi ăn thịt, cá... Ngoài ra, người bệnh có thể tăng huyết áp, theo nhiều công trình nghiên cứu, trên 80% suy thận mạn tính có tăng huyết áp, trong đó 20% tăng huyết áp kịch phát. Những trường hợp không tăng huyết áp thường gặp trong suy thận do viêm ống kẽ thận mạn tính, rối loạn chức năng tái hấp thu nước và điện giải, đái nhiều, mất nước và điện giải. Chân bị phù, mắt có bọng nước xung quanh vì cơ thể giữ nước. Thường có cảm giác ngứa ngáy, dễ bị bầm và thấy màu da tái hơn bình thường. Hơi thở có mùi amoniac. Giảm ham muốn tình dục và yếu sinh lý...
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Suy thận mạn tính có thể ảnh hưởng đến hầu hết các phần của cơ thể. Biến chứng có thể bao gồm: giữ nước, mà có thể dẫn đến phù, huyết áp cao hoặc phù phổi. Sự tăng đột ngột nồng độ kali trong máu, mà có thể làm giảm chức năng tim và có thể đe dọa tính mạng. Ngoài ra, biến chứng hầu hết tại nhiều cơ quan trong cơ thể như: hệ tiêu hóa (viêm trợt hoặc loét đường tiêu hóa do urê máu cao, chảy máu đường tiêu hóa); hệ thần kinh (trầm cảm, xuất huyết não do tăng huyết áp, nhồi máu não do vữa xơ động mạch, hôn mê do urê máu cao); hệ nội tiết (rối loạn kinh nguyệt, giảm hưng phấn tình dục, rối loạn dung nạp đường huyết, cường chức năng tuyến cận giáp thứ phát.); hệ tim mạch, bệnh nhân bị suy tim ứ huyết, dày và giãn thất trái, thiếu máu cơ tim, viêm màng ngoài tim khô hoặc tràn dịch, rối loạn chức năng tâm trương thất trái, rối loạn nhịp tim, ngừng tim do kali máu tăng, suy tim trái cấp (phù phổi cấp), vữa xơ động mạch. Tử vong do bệnh lý tim mạch chiếm 40 - 60% số bệnh nhân điều trị bằng lọc thận nhân tạo chu kỳ tử vong.
Do giai đoạn đầu bệnh thường không gây ra triệu chứng gì khiến người bệnh thường phát hiện muộn hoặc tình cờ khám sức khỏe định kỳ. Những xét nghiệm cơ bản như: nước tiểu, máu và các xét nghiệm hình ảnh (chụp Xquang) mới có thể phát hiện bất kỳ vấn đề gì đang phát triển. Tuy nhiên, cả các xét nghiệm này đều có giới hạn. Chúng thường được sử dụng chung để phát hiện ra tính chất và mức độ của bệnh thận. Vì vậy, khi có những biểu hiện nghi ngờ và những người bệnh có tiền sử mắc bệnh mạn tính nằm trong nhóm nguy cơ cao cần phải được kiểm tra thường xuyên về sự phát triển của căn bệnh này.
Phòng bệnh có khó?
Đối với người mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ cao thì cách phòng ngừa hiệu quả nhất là cần điều trị tốt những bệnh dẫn đến suy thận.
Nguyên tắc của chế độ ăn: Giảm đạm, dùng protein quý có giá trị sinh học cao để đảm bảo đủ axít amin cơ bản cần thiết và có tỷ lệ hấp thu cao như trứng, sữa, cá, thịt nạc, tôm... Giàu năng lượng: 35 - 40kcal/kg cân nặng/ngày. Đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu. Đảm bảo cân bằng nước, muối, ít toan, giàu canxi, ít phốtphát.
Bổ sung các thực phẩm có đạm quý như thịt, cá, trứng, sữa nhưng số lượng ít. Sử dụng nhiều chất bột ít đạm như khoai lang, khoai sọ, khoai tây, bột sắn dây, miến dong. Gạo, mì chỉ ăn ít. Chất béo (dầu, mỡ, bơ) chiếm 20 - 25% tổng năng lượng khẩu phần và có thể hơn nếu ăn được qua chế biến thức ăn. Dùng dầu ăn 25 - 30g/ngày qua chế biến thức ăn. Nên dùng các loại rau cải, dưa chuột, bầu bí, su hào. Quả nên dùng: na, đu đủ, hồng đỏ, thanh long, dưa hấu. Trường hợp nếu có tăng kali máu phải bỏ rau quả. Tăng lượng canxi bằng cách dùng tôm, cá, sụn... Nước uống: ngang hoặc ít hơn lượng nước đái ra hàng ngày. Ăn nhạt khi có phù, tăng huyết áp, suy tim.
Thực phẩm cần tránh: Ăn nhiều muối sẽ dẫn đến việc giữ nước trong cơ thể, tăng áp suất các mạch máu. Vì vậy, chỉ nên ăn 2 - 4g muối mỗi ngày. Cần tránh ăn các thức ăn có phốtphát như gan, bầu dục; thức ăn nhiều đạm thực vật như đậu đỗ. Rau quả: bỏ các loại chua và không nên ăn rau nhiều đạm như rau ngót, rau giền, rau muống, giá đỗ, các loại đậu đỗ. Lưu ý, nếu tăng kali máu phải hạn chế rau, quả.
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, cần uống đủ lượng nước cần thiết từ 2,5 - 3 lít mỗi ngày, tốt nhất là nước lọc. Cố gắng đừng nhịn tiểu, bởi nhịn tiểu lâu sẽ làm bàng quang và thận quen với việc quá tải, từ đó ảnh hưởng đến việc lọc canxi trong nước tiểu.
Giảm thực phẩm chứa nhiều oxalat như: trà, cà phê, chocolate, bột cám, ngũ cốc, rau muống. Nhiều người nghĩ rằng, sự gia tăng đáng kể mức tiêu thụ canxi trong bữa ăn hàng ngày sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Nhưng thực tế, ăn những thực phẩm chứa canxi như: phô mai, sữa, sữa chua... lại giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Vì vậy, không nên quá kiêng cữ thực phẩm chứa nhiều canxi vì sẽ gây ra mất cân bằng trong việc hấp thụ canxi, khiến cơ thể tăng cường hấp thụ oxalat từ ruột, dễ gây sỏi thận.
Ngoài ăn uống, duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày (tốt nhất là buổi tối sau khi ăn khoảng hai giờ) bằng các loại hình vận động nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, chạy chậm, tập khí công, yoga... cần duy trì cuộc sống khỏe mạnh, năng động bằng cách tăng cường vận động, tập thể dục để giảm mỡ trong máu.
BS. Nguyễn Văn Hải- Theo SK&ĐS
|