Sinh thường và sinh mổ
Sinh thường có nghĩa, sinh theo đường âm đạo, được nhiều mẹ bầu lựa chọn bởi nó mang tính tự nhiên, còn sinh mổ là qua phẫu thuật, mục tiêu cuối cùng là an toàn cho cả mẹ lẫn con.
Sinh thường (hay sinh qua đường âm đạo):
Ưu điểm của sinh thường là mẹ bầu có nhiều thời gian để chuẩn bị, thoải mái đi lại và cảm nhận những thay đổi trong cơ thể khi đứa trẻ sắp chào đời. Sinh thường, mẹ bầu ít phải lo đau đớn và tác dụng phụ của thuốc gây tê, hay kháng sinh... ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Thời gian nằm viện và thời gian phục hồi hồi nhanh hơn nên có thời gian chăm sóc em bé tốt hơn do trẻ được bú sớm ngay sau khi vượt cạn. Ngoài ra, sinh theo đường âm đạo hạn chế nhiều rủi ro so với sinh mổ, như: chảy máu, để lại sẹo hay nhiễm trùng.
Nhược điểm của sinh âm đạo đối với mẹ bầu là da và mô xung quanh âm đạo có thể căng, rách khi thai nhi di chuyển qua ống sinh. Nếu kéo dài và nghiêm trọng, có thể gây phải khâu, điều này có gây ra yếu hoặc tổn thương đến cơ xương chậu kiểm soát chức năng nước tiểu và hệ tiêu hóa đường ruột.
Sinh mổ sinh thường
Một số nghiên cứu phát hiện thấy phụ nữ sinh thường có nhiều khả năng mắc các chứng bệnh về ruột hoặc tiểu không tự chủ so với sinh mổ, dễ phát sinh tình trạng rò rỉ nước tiểu khi vận động mạnh như hắt hơi, ho hay cười. Thậm chí có thể đau kéo dài ở đáy chậu, khu vực giữa âm đạo và hậu môn.
Theo nghiên cứu của ĐH Y khoa Stanfort, sinh âm đạo các cơ tham gia trong quá trình vượt cạn có nhiều khả năng co bóp và bài tiết ra chất lỏng trong phổi của trẻ sơ sinh. Đây là một lợi thế, giúp trẻ dễ thở ngay sau khi sinh, đồng thời sớm được tiếp nhận liều khuẩn tốt khi đi qua ống sinh của mẹ, giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ đường ruột cho trẻ. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu có thời gian trở dạ và vượt cạn dài hoặc trẻ nặng cân thì sinh qua đường âm đạo, trẻ dễ bị tổn thương thể chất như da đầu thâm tím, thậm chí xương đòn có thể bị gãy...
Sinh mổ (C-section):
Ưu điểm của sinh mổ là giải pháp tốt cho cả mẹ lẫn con nếu gặp sự cố bất thường như thai không thuận, thai nhi bị bệnh hiểm nghèo như: bệnh tim, bệnh thận, hay nhau tiền đạo... Nếu áp dụng thủ thuật này mẹ bầu không phải chịu đau khi trở dạ, quá trình vượt cạn tỉnh táo. Lợi ích khác và thời gian nhanh, chỉ khoảng 30 phút là biết mặt con so với đau đẻ kéo dài 2 - 3 ngày.
Nhược điểm của đẻ mổ là có tỉ lệ tử vong cao, cao gấp 3 lần so với sinh qua đường âm đạo, phải dùng đến thuốc gây mê, tạo ra nhiều tác dụng phụ như tụt huyết áp, làm ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ, tổn thương và hạn chế khả năng co thắt của tử cung. Chưa hết, sinh mổ mất nhiều máu hơn sinh thường, ảnh hưởng tới sự hồi phục của tử cung và sức khỏe chung người người mẹ sau khi vượt cạn. Ngoài ra, do phải phẫu thuật nên phải nằm viện lâu hơn, trung bình 2 - 4 ngày, kèm theo di chứng như tử cung bị mẩn đỏ, dễ đến dính ruột, viêm bàng quang, và nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ cao, đau nhức, khó chịu. Đặc biệt, đẻ mổ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến sữa, nhất là qua trình tăng tiết sữa sau sinh và hiện tượng vỡ tử cung, đe doạ trực tiếp đến tính mạng người mẹ và tác động xấu đến những lần mang thai tiếp theo. Với sản phụ sinh mổ, muốn có thai lần nữa cần chờ ít nhất là hai năm, tốt nhất là 5 năm, nguy cơ thủng tử cung cũng gia tăng nếu sau đẻ mổ phá thai nhiều lần.
Riêng đối với trẻ, sinh mổ tạo thêm an toàn cho bé vì dễ khắc phục sự cố đặc biệt, bởi tách thai nhi nhanh ra khỏi cơ thể người mẹ. Tuy nhiên, sinh mổ cũng còn nhiều điểm bất lợi như do thiếu lực ép cần thiết khi đi đường sinh sản, nên dễ phát sinh hội chứng trụy hô hấp, xuất huyết nội, viêm phổi. Khả năng miễn dịch của trẻ sinh mổ kém hơn so với những trẻ được sinh ra bằng phương pháp truyền thống nên khi trưởng thành dễ mắc bệnh hơn. Quá trình hòa nhập nhanh với môi trường sống của trẻ sinh mổ chậm hơn so với trẻ sinh thường do ảnh hưởng từ thuốc mà người mẹ dùng gây ra. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ sinh mổ có nguy cơ mắc chứng béo phì cao, và thực tế nhóm phụ nữ bị béo phì hoặc bị đái tháo đường thai kỳ thì tỷ lệ sinh mổ cao hơn so với nhóm phụ nữ khoẻ mạnh.
Sinh mổ “chậm”, hướng đi mới trong lĩnh vực sản khoa
Sinh mổ “chậm” (slow caesarean) là thuật ngữ khá mới mẻ nới về một phương pháp sinh áp dụng cho nhóm phụ nữ không thể sinh bằng phương pháp tự nhiên, hạn chế sự cố về hô hấp cho trẻ sơ sinh khi mới ra đời, thích ứng nhanh khi thở bằng không khí bình thường, có lợi cả cho mẹ lẫn bé.
Thủ thuật nói trên hiện đang được thử nghiệm tại Bệnh viện Đại học Trung ương London (UCH), trong đó sử dụng một vết rạch vào dạ con để đưa đầu đứa trẻ lộ ra, sau đó đứa trẻ tiếp tục thoát ra ngoài giống như cách sinh tự nhiên. Phương pháp này đã được bệnh viện tư Queen Charlotte và Chelsea ở London áp dụng hơn một thập kỷ, và hiện nay mới chỉ áp dụng ở lĩnh vực tư nhân. Nếu thử nghiệm của UCH thành công, sẽ được áp dụng rộng rãi trên hệ thông các bệnh viện của Cơ quan Dịch vụ y tế Anh (NHS), đồng thời giảm tỉ lệ biến chứng cho mẹ lẫn em bé. Theo thống kê, tại Anh hiện cứ 4 ca sinh thì có 1 phải sinh mổ, tăng gấp đôi kể từ thâp niên 90 ở thế kỷ trước.
Tư vấn hộ sinh Belinda Green, người chủ trì thử nghiệm nó trên cho hay, nhiều phụ nữ khi sinh bằng thủ tục này cho biết, mối quan hệ mẫu tử tăng lên, làm giảm một số biến chứng sau khi sinh. Phương pháp sinh mổ “chậm” giúp người mẹ có thể cảm giác thấy thiên thần nhỏ bé “thoát mẹ” trong thời gian chừng 4 phút, người mẹ có thể nhìn thấy con mình và biết được giới tính ngay. Sinh mổ “chậm” có thể áp dụng cho những phụ nữ đạt đủ tháng tuổi, khoảng 37 tuần thai kỳ và không để lại biến chứng nào, và có nhịp tim khỏe mạnh.
Chị Charlotte Philby, 32 tuổi người Anh, đã qua hai lần mổ đẻ trước khi được áp dụng thủ thuật sinh mổ “chậm” lần ba cho biết, hai đứa đầu được mổ, quấn khăn và đưa đi ngay, nhưng bé thứ ba tên là Xander sinh bằng phương pháp nói trên đã nằm trên ngực mẹ theo kiểu tiếp xúc da - da trực tiếp nên bản thân chị thấy ấm lòng, còn Xander khỏe mạnh và phát triển tốt.
“Thật tuyệt vời, tôi nhận thấy phương pháp sinh mới này giúp tôi giảm đau, an tâm, không phải lo đến sự thất lạc con cái nữa, vì vậy, những ai phải sinh mổ nên áp dụng phương pháp nói trên”, chị Philby phấn khởi tiết lộ. Còn theo tiến sĩ Patrick O’Brien, phát ngôn viên của Cao đẳng Sản khoa Hoàng gia thì sinh mổ “chậm” không có bất kỳ nhược điểm nào, hiện đang được tiếp tục thử nghiệm và là một bước tiến thú vị trong lĩnh vực sản khoa của Anh hiện nay.
DS. Chu Trang Nhung
(Theo DM/LS- 5/2016) - Theo SK & ĐS
|