Có đến 95% các bé bị táo bón không tìm ra nguyên nhân, tức là qua thăm khám và làm các xét nghiệm thông thường (thử máu, siêu âm, chụp Xquang) không thấy gì bất thường. Những trường hợp này gọi là “táo bón chức năng”. Chỉ có 5% trường hợp là “táo bón thực thể”, nghĩa là táo bón do một bệnh nào đó gây ra như bệnh phình đại tràng bẩm sinh, bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, ngộ độc chì, các trường hợp tổn thương hay dị dạng cột sống vùng cùng cụt (vùng sát gần mông), dị dạng hậu môn... Những trường hợp táo bón thực thể thì phải cần điều trị bệnh lý gốc gây ra thì mới hết táo bón.(4)
Các trường hợp táo bón chức năng, yếu tố gây ra táo bón có thể được giải thích bởi sự chưa hoàn thiện của hệ tiêu hóa hoặc chế độ ăn và sinh hoạt chưa hợp lý. Tuy nhiên, yếu tố được nhắc đến nhiều nhất gây ra táo bón chức năng là “hành vi nín nhịn”. Có thể do bé “chê” nhà vệ sinh trong trường hoặc do “kinh nghiệm” sau một lần đi tiêu phân cứng gây đau đớn, thế là lần mắc cầu sau bé... quyết định nín lại, không chịu đi tiêu. Khi nín như vậy, phân sẽ ngày càng khô trong trực tràng (đoạn ruột cuối trước khi thải ra hậu môn), ngày càng tích tụ to hơn và đến khi bé “chịu hết nổi” phải đi tiêu thì sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, càng gây đau nhiều hơn. Thế là bé lại có ác cảm nặng nề hơn với chuyện đi tiêu, lại càng nín nhịn và lại càng đau hơn trong lần đi tiêu kế. Đó là “cái vòng luẩn quẩn” gây khó khăn rất lớn trong việc điều trị táo bón chức năng cho trẻ em.(4)
TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn - Theo SK & ĐS
(Thư ký Chi hội Tiêu hóa Nhi Việt Nam
|