Táo bón là gì?
Ở nhiều người, táo bón chỉ đơn thuần có nghĩa là ít đi đại tiện. Tuy nhiên, đối với một số người khác táo bón có nghĩa là phân cứng, phân khô đi đại tiện phải gắng sức rặn, hay là cảm giác còn phân trong ruột sau khi đi đại tiện. Được coi là táo bón khi phải rặn nhiều khi đại tiện, phân cục lổn nhổn, cảm giác đại tiện không hết phân, cảm giác phân bị nghẹt lại ở hậu môn trực tràng, đại tiện dưới 3 lần/tuần. Với trẻ em thì phân cứng như đá cuội trong hầu hết các lần đi đại tiện trong tối thiểu hai tuần. Tình trạng táo bón không liên quan đến các bệnh về nội tiết, biến dưỡng, cấu trúc...
Nguyên nhân nào gây bệnh?
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nhóm nguyên nhân chính:
Nhóm nguyên nhân cơ năng: Bệnh toàn thân (sốt cao, hậu phẫu vì mất nước phân khô); do dùng thuốc (các thuốc giảm đau gây nghiện như codeine, oxycodone, hdrophormone; các thuốc chống trầm cảm như amitriptylene và imipramine. Các thuốc chống động kinh như phenytoin và carbamazepine; thuốc chẹn kênh calci như diltiazem và nifedipine; các thuốc antacid có chứa nhôm như amphogel, phosphalugel và basaljel...); do phản xạ đi đại tiện (có thể điều chỉnh được theo ý muốn, nghĩa là một người bình thường có thể ngăn cảm giác thúc bách muốn đi đại tiện. Dầu vậy, ngăn cảm giác đi đại tiện thường xuyên sẽ dẫn đến mất cảm giác thúc bách và dẫn đến táo bón); Do chế độ ăn (chất xơ rất quan trọng để duy trì phân to, mềm. Do đó các chế độ ăn ít chất xơ có thể gây táo bón. Nguồn chất xơ tự nhiên tốt nhất là trái cây, rau và các loại hạt; Do thuốc nhuận tràng (một trong những nguyên nhân nghi ngờ gây táo bón nặng là lạm dụng các chất kích thích nhuận tràng (như cây keo, dầu thầu dầu và vài loại thảo mộc; Sử dụng chất kích thích đại tràng làm xuất hiện chu kỳ bất thường, sau đó tổn thương có thể gây táo bón và phải cần dùng lượng chất kích thích nhuận tràng nhiều hơn nữa.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như: do phản xạ, do ngồi nhiều, do người già suy nhược nằm lâu, do căng thẳng thần kinh...
Nhóm nguyên nhân thực tổn: Tổn thương ống tiêu hóa, cản trở lưu thông (u, chít hẹp...); Dị dạng đại tràng (to, dài hoặc vừa to lại vừa dài quá); Viêm đại tràng mạn thể có co thắt; Hội chứng ruột kích thích thể táo; Tổn thương trực tràng hậu môn (trĩ, hẹp trực tràng); Tổn thương ngoài ống tiêu hoá; Có thai vào những tháng cuối; U tử cung, tiền liệt tuyến, dính sau mổ; Tổn thương não màng não (viêm màng não tăng áp sọ tổn thương tủy sống, hội chứng màng não...).
Điều trị táo bón như thế nào?
Trước hết, cần tìm ra nguyên nhân gây táo bón để điều trị theo nguyên nhân. Ngoài việc điều trị căn nguyên, nếu táo bón do các nguyên nhân khác thì có thể điều trị bằng cách:
Nếu do phản ứng phụ của thuốc thì có thể đề nghị bác sĩ cho dừng thuốc hoặc đổi thuốc khác.
Nếu do ăn uống không hợp lý phải cải thiện việc ăn uống, ăn nhiều chất xơ, chất bã (rau xanh 200 – 300g/ngày), uống nhiều nước (2 – 2,5 lít/ ngày), ăn thêm các sản phẩm nhuận tràng như rau đay, mồng tơi, khoai lang, mướp, đồ ngọt, cacao, socola... kiêng uống trà đặc, cà phê, rượu.
Nếu do rối loạn mất phản xạ đại tiện thì khôi phục lại phản xạ bằng cách đi đại tiện đúng giờ, đi ngay khi mới mót, không nhịn, không mót cũng đi đại tiện đúng giờ để tạo lập dần phản xạ đi ngoài.
Cuối cùng là việc sử dụng thuốc nhuận tràng. Có rất nhiều thuốc nhuận tràng khác nhau tuỳ theo cơ chế tác dụng đó là: chất xơ và chất nhầy, thuốc nhuận tràng làm mềm phân, thuốc nhuận tràng thẩm thấu, thuốc nhuận tràng kích thích nhu động, thuốc nhuận tràng tác dụng tại chỗ… Lưu ý, khi sử dụng các thuốc này nên có chỉ định của bác sĩ.
Táo bón là một triệu chứng thông thường trong cuộc sống, đa số người cho rằng nó không phức tạp và đã coi nhẹ triệu chứng, tự điều trị vì nghĩ rằng chỉ cần sử dụng thuốc nhuận tràng là đủ. Tình trạng đó kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như bị trĩ, sa niêm mạc trực tràng... Thói quen tốt nhất là nên đi khám bệnh để được tìm ra nguyên nhân và điều trị đúng tránh tình trạng lạm dụng thuốc nhuận tràng.
ThS. Nguyễn Vân Anh - Theo SK & ĐS
|