Tư thế ngủ xấu có thể gây nguy hiểm cho bé
Lúc 7 tháng tuổi, cu Tít (con chị Nguyễn Thị Lan, 125/1411 Giáp Bát, Hà Nội) chỉ ưa một tư thế ngủ sấp, mẹ đặt ngửa được một lúc thì bé lại tự “sấp” xuống. Chị Lan lo lắng: “Lúc ngủ mà con vẫn ham lẫy hay sao, mình sợ sau này mũi con tẹt dí mất”. Vì thế, mỗi khi con ngủ, chị Lan lại không yên, luôn phải “canh” để điều chỉnh tư thế cho con. Nhưng từ khi một tuổi trở đi, cu Tít lại thích nằm nghiêng một bên, chân tay thì co như khi còn nằm trong bụng mẹ. Chị Lan lại thường xuyên phải lật ngửa con ra vì sợ tay bé bị đè sẽ tê, vành tai bị tẹt. Nhưng cứ vừa lật con ra thì bé khóc ré, thức giấc hoặc được một lúc lại về tư thế cũ.
Theo Ths.Bs. Nguyễn Bạch Đằng, nỗi lo của chị Lan là có cơ sở, vì cơ thể của bé đang trong giai đoạn phát triển nên tư thế ngủ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển hình dáng. Trong một số trường hợp nằm ngủ sai tư thế có thể làm ngạt thở gây tử vong. Nằm sấp khi thức không đáng ngại nhưng nếu nằm ngủ sấp trong một thời gian dài sẽ khiến xương mặt dễ bị biến dạng ảnh hưởng đến thẩm mỹ (do xương vòm họng của bé chưa phát triển). Ngủ sấp trên đệm, chăn có độ lún sâu còn có thể khiến bé ngạt thở, tăng nhiệt, toát mồ hôi gây cảm.
Nhưng nằm ngửa như cách của chị Lan cũng chưa phải tối ưu. Bé ngủ ngửa quá lâu, lưỡi dễ bị ép thụt xuống sâu hơn, làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ và dễ bị dẹt đầu. Ngủ ngửa cũng có nguy cơ tử vong vì chăn, đồ chơi có thể chèn lên mũi gây ngạt.
Tư thế ngủ nào tốt nhất?
Theo bác sỹ Đằng, tư thế ngủ nghiêng là tốt, đặc biệt nghiêng sang phải; giúp giảm hiện tượng bé khò khè và tim không bị chèn ép. Tư thế này còn tốt cho những trẻ hay bị nôn, vì với tư thế này dịch trong khoang miệng sẽ tiết ra ngoài, không vào ngược dạ dày nên hạn chế tình trạng nghẹt thở do nôn trớ. Nằm nghiêng còn giúp cơ thể nhanh chóng tản nhiệt, nhất là với bé bị ra mồ hôi trộm, hạn chế tình trạng cảm lạnh.
Vì vậy khi trẻ có thói quen ngủ nghiêng thì cha mẹ không nên chỉnh sửa, nếu sợ con bị dẹt tai thì bạn chỉ nên cho bé nghiêng đều hai bên. Bạn nên đặt cho bé một cái gối ôm sẽ giúp bé không bị tê tay và ngon giấc hơn.
Tuy nhiên, bạn không thể ép tất cả các bé đều ngủ nghiêng sang phải. Dù bạn chỉnh sửa thì bé cũng sẽ tự xoay về tư thế quen thuộc. Vì vậy để hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu khi bé quen ngủ ngửa và sấp, bạn nên:
- Quan sát, nếu phát hiện dấu hiệu ngưng thở khi ngủ thì nên canh chừng bé thường xuyên, khi bé khó thở phải đặt bé nằm nghiêng.
- Không để bé nằm trên chăn, đệm có độ thụt lún sâu. Không để nhiều đồ dùng trên giường của trẻ.
- Khi đắp chăn cho bé nên dùng nút cố định chăn lại để hạn chế nguy cơ chăn phủ lên mặt bé. Nếu là giấc ngủ ngắn, bạn có thể cuốn chăn (mép bên tay phải gấp sang đặt dưới cánh tay trái và ngược lại). Cuốn chăn kiểu này khiến bé không lật sấp khi ngủ; nhưng không nên duy trì lâu vì cách làm này giới hạn cử động của bé.
Theo Sức khỏe Gia đình
|