ĐỐI VỚI TRẺ DƯỚI 2 TUỔI
Chúng tôi đã chứng kiến những trường hợp sặc sữa, sặc thức ăn hay các vật gây tắc đường thở hết sức thương tâm do không được xử lý đúng cách tại nhà.
Sặc sữa thường gặp ở trẻ nhỏ, do sữa mẹ xuống quá nhanh, lỗ núm vú cao su quá rộng, hoặc cho bú không đúng cách, quấy khóc hay đùa giỡn trong lúc bú. Bé cũng có thể hít phải những thức ăn có kích thước nhỏ như đậu phộng, các loại hạt, … hay những vật nhỏ như cúc áo, đồng tiền, các bộ phận tháo rời từ đồ chơi,… Từ đây, chúng tôi sẽ gọi chung các thứ này là “dị vật”. Dị vật gây tắc nghẽn đường thở, làm ngưng thở ngưng tim và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do vậy, việc phát hiện sớm và có những động tác sơ cứu kịp thời ngay khi bé bị sặc dị vật là tối cần thiết. Trong bài viết này, chúng tôi hướng dẫn thủ thuật “Vỗ lưng ấn ngực” dành cho bé dưới 2 tuổi và từ 12 kg trở xuống.Thủ thuật này cần được thực hiện ngay khi bạn phát hiện bé có những biểu hiện của hội chứng xâm nhập và suy hô hấp; tức là đang chơi, đang bú hay ăn thì đột ngột ho sặc sụa, sau đó không khóc được, khó thở, tím tái, ngưng thở. Khi đó, bạn cần thực hiện ngay thủ thuật “Vỗ lưng ấn ngực”, gồm các bước (xem hình):
Bước 1: Đặt bé nằm sấp, đầu thấp khoảng 30 độ, thẳng trục trên cẳng tay thuận của bạn, giữ đầu bé trong lòng bàn tay (có thể tựa hẳn tay vào đùi; lưu ý không để bàn tay quá siết cổ bé hay bịt kín mũi miệng bé), rồi dùng gốc của bàn tay không thuận vỗ mạnh và nhanh 5 cái vào lưng bé (chỗ giữa hai xương bả vai), nhằm tăng áp lực trong lồng ngực, để tống xuất dị vật ra khỏi đường hô hấp của bé.
Bước 2: Xoay ngửa bé lại, đặt nằm trên cẳng tay không thuận để kiểm tra xem bé đã có dấu hiệu hồi phục chưa: khóc được ra tiếng, hồng hào trở lại, hay dị vật đã văng ra ngoài. Nếu bé vẫn khó thở, tím tái thì dùng hai ngón tay trỏ và giữa ấn mạnh 5 cái ở giữa ngực, trên xương ức, dưới đường nối 2 vú khoảng 1-2 cm.
|
|
- Khi bé đã có dấu hiệu hồi phục: dùng miệng hút mạnh miệng và mũi, bé, hút kỹ sữa, nhớt còn đọng ở họng và mũi ra càng nhanh càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Ngay sau đó, hãy mang bé đến cơ quan y tế gần nhất để kiểm tra.
- Nếu bé vẫn chưa hồi phục: Lặp lại bước 1 và bước 2 từ 5 – 6 lần cho đến khi bé khóc được ra tiếng, hồng hào trở lại, hay đã văng dị vật ra ngoài.
- Nếu bé vẫn chưa hồi phục sau 6 lần quy trình trên, lập tức đưa bé đến cơ quan y tế gần nhất; và tiếp tục lặp lại thủ thuật này trên đường đi.
Bạn cần chú ý thực hiện đúng trình tự trên, tuyệt đối không cố dùng tay móc họng bé hay dùng miệng hút trước vì có thể khiến dị vật đi sâu hơn, gây sưng nề, khiến bé khó thở hơn nữa.
Để phòng ngừa dị vật đường thở, bạn nhớ:
- Cho bú mẹ đúng cách. Nếu sữa xuống quá nhanh, hãy vắt bớt cho đến khi sữa chảy chậm lại mới cho bé bú.
- Bú sữa công thức: dùng bình sữa có valve chống sặc; nhưng tốt nhất nên cho uống bằng muỗng.
- Chỉ cho bé bú khi bạn thật tỉnh táo
- Cho bé ợ hơi sau mỗi cử bú; rồi đặt bé nằm đầu cao và theo dõi tình trạng ọc, ói sau bú ít nhất nửa giờ. Nếu bé ọc, hãy hạ thấp và nghiêng đầu bé qua 1 bên cho sữa chảy ra ngoài (chứ không ẳm lên, vuốt lưng hay lau sạch mặt nhé!)
- Cắt nhỏ thức ăn với kích cỡ thích hợp với độ tuổi của bé, dạy cho bé cách nhai tốt.
- Tránh để bé nói, cười, đùa giỡn, chạy nhảy trong lúc có thức ăn, thức uống trong miệng.
- Không cho bé dưới 3 tuổi ăn đậu phộng rang, bắp rang, các loại hạt, kẹo cứng…
- Để xa tầm tay bé những món đồ vật nhỏ, hoặc thuốc.
- Không chọn đồ chơi có thể tháo rời các bộ phận cho trẻ dưới 3 tuổi
- Giáo dục tốt cho bé việc không được đưa vào mũi, miệng những vật lạ.
Tóm lại, dị vật đường dễ xảy ra ở trẻ nhỏ; hãy chú ý tránh các tình huống dễ gây sặc. Khi bé sặc, đừng cố móc ra mà hãy bình tĩnh thực hiện ngay thủ thuật “vỗ lưng ấn ngực” bạn nhé!
TS. Phạm Diệp Thùy Dương – BS. Đào Nguyễn Phương Linh
|