'Con giỏi quá'
Khi con bạn làm đúng một bài toán khó hay nhanh nhẹn trả lời đúng một câu hỏi đố mẹo, bạn cũng đừng vội khen "con giỏi quá". Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng lời khen như một động lực giúp con cố gắng hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự thật lại không phải vậy. Việc thường xuyên khen con mình sẽ khiến con trở nên phụ thuộc vào sự công nhận đó, thậm chí làm xuất hiện trong con trẻ tính tự cao, tự đắc, coi thường người khác.
Thay vì khen con trẻ, cha mẹ có thể diễn tả: "Con đã khá hơn rồi", "Con và đồng đội rất ăn ý"... Đó là một sự trợ giúp rất đắc lực cho con trong giai đoạn đang phát triển cả về tâm lý cũng như kiến thức cuộc sống.
'Thực hành nhiều con sẽ giỏi (thành thục) hơn' hay 'Con hãy cố gắng lên'
Càng chú tâm làm việc gì đó thì các kỹ năng của con càng được cải thiện. Tuy nhiên khi nói những câu nói khuyến khích cha mẹ lại vô tình khiến con gánh chịu áp lực chiến thằng hoặc nếu trẻ mắc lỗi sẽ nghĩ rằng mình đã không chăm chỉ luyện tập, cố gắng. Hãy khuyến khích con luyện tập chăm chỉ theo một cách khác để con có thể phát triển và cảm thấy tự hào về bản thân.
'Không sao đâu'
Khi con bị thương và bật khóc, bạn sẽ động viên con rằng "không sao cả", như vậy có thể khiến con cảm thấy tồi tệ hơn. Bạn nên giúp con trấn an lại cảm xúc bản thân chứ không phải là coi nhẹ nó. Hãy dành cho con một cái ôm và hiểu được cảm giác của con bằng những câu như: “Thật là một cú ngã đáng sợ”, "Mẹ hiểu mà"...
'Con không nhanh chân lên, mẹ sẽ bỏ con lại đấy'
Khi muốn thúc giục bé nhanh chóng hoàn thành một công việc gì đó hoặc đơn giản chỉ muốn các bé đi nhanh hơn, các ông bố bà mẹ cũng không nên sử dụng câu này. Bởi với con trẻ, nỗi sợ hãi lớn nhất là bị cha mẹ bỏ rơi. Nếu muốn bé ghi nhớ và nhanh nhẹn hơn, bạn có thể đưa ra cho bé vài lời cảnh báo như “Đã đến lúc mẹ con mình phải về nhà rồi”, "Con có nghĩ mình cần về nhà nhanh hơn không?" đồng thời dắt tay bé bước theo bạn.
'Chúng ta không đủ tiền mua đâu'
Câu nói này có thể khiến con nghĩ rằng bạn không thể kiểm soát được tài chính. Hãy dùng cách nói khác để truyền đạt đến trẻ như: “Chúng ta sẽ không mua món đồ này vì chúng ta đang tiết kiệm tiền cho những thứ quan trọng hơn”. Nếu con đòi thảo luận về vấn đề này, bạn sẽ có cơ hội để trò chuyện với con về cách chi tiêu hợp lý và quản lý tiền bạc.
Ảnh minh họa: Womenworld.
'Không được nói chuyện với người lạ'
Khi trẻ gặp một người không quen, trẻ sẽ không nghĩ đó là người lạ nếu người đó đối xử tốt với mình. Thay vì áp đặt những lời cảnh báo trẻ như vậy, hãy dựng lên một kịch bản như: “Con sẽ làm gì nếu một người đàn ông con không biết cho con kẹo và muốn chở con về nhà?”. Hãy lắng nghe câu trả lời, và hướng dẫn con cách hành xử hợp lý.
'Không ăn hết cơm thì con sẽ không được ăn bánh'
Những câu nói như: "Có ăn không thì bảo, con mà không ăn là mẹ đánh đấy", "Con không ăn là ma đến bắt đi đấy" hoặc "Không ăn hết cơm thì con sẽ không được ăn bánh"... dễ khiến trẻ cảm thấy như đang bị phạt và giảm hẳn cảm giác ngon miệng. Nếu bạn cứ tiếp tục dọa nạt bé như vậy, bé sẽ bị ức chế tâm lý, cơ thể khó hấp thụ được chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Ngoài ra, bạn đã xây dựng ở bé một nỗi sợ vô hình về mọi thứ. Điều này chỉ khiến bé thêm nhút nhát, e dè, ngại hòa nhập với thế giới xung quanh. Hãy thử cách thay đổi ngôn từ, cử chỉ, dù những thứ đó là nhỏ, nhưng sẽ có tác động lớn. Ví như: "Chúng ta sẽ ăn bữa chính, sau đó mới tới ăn tráng miệng".
'Để mẹ giúp'
Khi trẻ đang chơi giải câu đố hoặc gặp một điều gì khó khăn các mẹ sẽ luôn muốn giúp đỡ trẻ. Nhưng, đừng vội làm như vậy. Bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của trẻ. Bất cứ khi nào gặp khó khăn bé sẽ luôn trông đợi vào câu trả lời của người khác, vào sự giúp đỡ của người khác. Thay vào đó, hãy đặt các câu hỏi giúp trẻ giải quyết vấn đề như: "Sao con lại nghĩ vậy?", "Con hãy thử lại xem sao”...
'Con chờ bố (mẹ) về mà hỏi'
Bé sẽ rất vui nếu được bạn bỏ chút thời gian chơi đồ hàng cùng bé hoặc giải đáp một số thắc mắc của bé hay đơn giản chỉ là cùng bé ngắm bức tranh bé vừa hoàn thành, những lúc ấy, bạn thường gạt đi và bảo: "Con chờ bố về đi, mẹ đang bận lắm".Thái độ bất hợp tác này của bạn có thể khiến bé căng thẳng. Bé sẽ nghĩ bạn không còn yêu bé nữa. Thêm vào đó, nếu chồng bạn trở về nhà trong tình trạng mệt mỏi, anh ấy dễ cáu gắt khi bị bé làm phiền. Khi ấy, bé sẽ càng trở nên buồn chán và xuất hiện nhiều cảm xúc tiêu cực hơn.
Vậy nên, dù bận đến mấy, cũng không nên dồn hết trách nhiệm chăm nom bé lên vai người bạn đời. Bạn nên vui vẻ thông báo để bé hiểu rằng bạn đang bận việc bằng những câu nói nhẹ nhàng như "Con yêu, mẹ đang bận chút, lát nữa mẹ trò chuyện với con nhé", "Con có thể ra xem phim hoạt hình chờ mẹ một lát, mẹ xong việc sẽ tới chơi với con yêu ngay"...
'Mẹ ước là mẹ chưa bao giờ sinh con ra' hay 'Ước gì con không phải là con của mẹ'
Rất nhiều bậc phụ huynh từng có suy nghĩ như vậy hoặc vô tình mắng con trong một lần giận dữ tột đỉnh. Nhưng đây chỉ là một cảm giác nhất thời trong khi bạn quá căng thẳng. Nếu con bạn nghĩ bố mẹ chúng không còn gì để mất, bao gồm cả tình yêu của mẹ, trẻ sẽ hành động bất cần hơn.
Với những trường hợp như trên, bạn hãy trấn tĩnh lại và dành thời gian cho chính mình để giải tỏa mệt mỏi. Khi đã bình tĩnh, bạn nên khéo léo cùng ngồi nói chuyện với con về những điều trẻ đã làm sai để tránh mối quan hệ giữa mẹ và con thêm nhiều sóng gió. Chỉ những lời nói buột miệng của bố mẹ cũng đủ gây tổn thương cho con trẻ.
Theo báo SK&ĐS
|