Kế hoạch hành động Phòng chống dịch bệnh do virus Ebola tại Việt Nam gồm 3 tình huống.
Tình huống 1, khi chưa ghi nhận ca bệnh: Phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng.
Tình huống 2, khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập: Khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực hạn chế nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng.
Tình huống 3 khi dịch lây lan trong cộng đồng: Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế thấp nhận tử vong và lây lan ra cộng đồng.
WHO cảnh báo nhân viên y tế cũng dễ dàng nhiễm virus Ebola nếu họ không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện tử vong do virus Ebola nhiều, nhanh. Vì thế, việc giám sát tại cửa khẩu quốc tế được thực hiện rất nghiêm ngặt.
Theo đó, từ ngày 15/8, Bộ Y tế sẽ triển khai tờ khai y tế tại tất cả các cửa khẩu quốc tế (cả đường hàng không và đường bộ). Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc kiểm soát khách nhập cảnh về từ 4 quốc gia đang có dịch (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone) thực sự rất khó. Bởi họ có thể bay bằng nhiều hãng hàng không khác nhau. Nếu triển khai tờ khai y tế với tất cả các chuyến bay thì sẽ rất tốn kém, mất thời gian.
Vì thế, nhân viên an ninh làm thủ tục nhập cảnh được giao nhiệm vụ xem hộ chiếu. Trong trường hợp phát hiện người về từ vùng dịch,nhân viên an ninh sẽ hướng dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để khai tờ khai ( ghi rõ nơi ở, số điện thoại sử dụng tại Việt Nam). Nhân viên y tế có trách nhiệm hướng dẫn khai tờ khai y tế và đóng dấu xác nhận theo quy định. Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola sẽ được theo dõi, cách ly và xử lý.
Chuyên viên y tế cần giám sát chặt chẽ quy trình chôn cất người nhiễm Ebola. Ảnh: Reuters
Ông Phu cho biết: Người về từ vùng dịch trong 21 ngày nếu có biểu hiện bất thường nào cần phải thông báo ngay để cơ quan chức năng có hướng xử lý. Nếu ghi nhận trường hợp nghi nhiễm virus Ebola tại Việt Nam bệnh nhân sẽ được cách ly ngay, ngành y tế sẽ triển khai các biện pháp phòng chống dịch như với các dịch bệnh nguy hiểm nhóm A đã được ngành y tế quy định. Mẫu bệnh phẩm cần được thu thập, bảo quản và vận chuyển theo đúng quy định về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. HCM.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) nguồn lây truyền bệnh Ebola có thể từ động vật. Ổ chứa mầm bệnh chính là dơi ăn quả; ngoài ra còn có tinh tinh, khỉ đột, chuột, linh dương… Virus cũng có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc, tiếp xúc trực viếp với da, niêm mạc bị tổn thương, dịch tiết cơ thể của người hoặc động vật nhiễm bệnh.
Dù tình hình dịch tại các nước Tây Phi đang rất căng thẳng, tuy nhiên tiến sĩ Phu cũng khuyến cáo người dân nên bình bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng quá mức. Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chú ý thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa… Nếu có tiếp xúc với khách mới về từ nước có dịch thì nên cảnh giác. Khi có dấu hiệu ho, sốt, mệt mỏi.. thì nên đến cơ sở y tế kịp thời.
Hiện Việt Nam đã làm việc với Tổ chức y tế thế giới (WHO) đề nghị hỗ trợ cung cấp sinh phẩm và hỗ trợ kỹ thuật chẩn đoán bệnh.
Theo Eva/Khám phá- Báo sức khỏe$ đời sống.
|