1. Lau rửa mắt thường xuyên
Hàng ngày, cha mẹ cần lau rửa ghèn, dử mắt cho con ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn ẩm hoặc bông sạch. Lau xong vứt bỏ bông, không dùng lại, còn với khăn cần giặt sạch, cẩn thận hơn nữa thì luộc qua nước sôi để tiêu diệt vi khuẩn bám trên khăn. Cha mẹ cũng có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay cao cấp hơn là nước mắt nhân tạo để rửa mắt cho trẻ mỗi ngày, làm giảm cảm giác cộm rát khó chịu.
2. Cho trẻ đeo kính để tránh bụi bẩn bay vào mắt
Người bị đau mắt nên đeo kính vừa để đỡ ngại với người khác vừa để tránh bụi bẩn bay vào mắt. Vì vậy, nếu con bị đau mắt đỏ, cha mẹ nên đeo kính cho con để hạn chế mắt tiếp xúc với khói bụi, làm cho tình trạng viêm, nhiễm trùng tăng lên, bệnh sẽ càng lâu khỏi. Cha mẹ nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để chọn loại kính phù hợp, đảm bảo an toàn cho mắt của con.
3. Giữ gìn để tránh đau cả hai mắt
Bình thường, khi bị đau mắt, người bệnh sẽ bị một bên mắt, nếu không giữ gìn cẩn thận thì sẽ lây sang mắt bên kia. Vậy nên, nếu trẻ bị đau một bên mắt, cha mẹ cần giữ vệ sinh an toàn tuyệt đối cho con, tránh để virus gây bệnh có cơ hội tiếp xúc với mắt không bị bệnh bằng cách tránh dùng thuốc một lọ thuốc nhỏ cho cả 2 bên mắt. Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cha mẹ cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Nên cho trẻ nghỉ học và hạn chế tiếp xúc với những người không bị bệnh
Trẻ bị bệnh nên được nghỉ học, không đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh để tránh làm bệnh lây lan rộng sang những người khác. Trẻ cũng không nên ôm ấp, thơm, hôn những người khác vì bệnh đau mắt đỏ qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus...
5. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ và không được tự ý dùng thuốc
Cha mẹ cần bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ để trẻ đủ sức đề kháng với bệnh, không bị suy kiệt về sức khỏe khiến cho bệnh càng lâu khỏi. Trẻ cũng cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Cha mẹ không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt, dùng thuốc nhỏ mắt của người khác cho con mà không hỏi ý kiến bác sĩ vì mỗi người bệnh có thể thích hợp với các loại thuốc khác nhau, nếu không dùng đúng thuốc bệnh sẽ rất lâu khỏi.
Thường xuyên rửa tay với nước sạch, xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh đau mắt đỏ.
Bệnh đau mắt đỏ thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập của trẻ, về lâu dài có thể gây giảm thị lực của trẻ về sau này. Vì vậy, điều mà cha mẹ nào cũng nên làm là giáo dục con có ý thức phòng bệnh và giúp con phòng bệnh tốt nhất. Để phòng bệnh cho con, cha mẹ cần lưu ý một số nguyên tắc thiết yếu phòng bệnh cho con như:
- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với nước sạch, xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn. Thói quen rửa tay cần được thực hiện đều đặn hàng ngày, nhất là trước, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các vật có khả năng nhiễm bệnh...
- Không dùng tay dụi mắt.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt hoặc đến những nơi đông người, đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…
- Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
Theo Báo Sức Khỏe& Đời Sống.
|