Bữa ăn cần cung cấp đủ năng lượng
Nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa khẩu phần của mẹ (đặc biệt là năng lượng của khẩu phần) với mức tăng cân và cân nặng của con khi sinh. Nếu khẩu phần có mức năng lượng thấp dẫn tới tăng cân thấp sẽ có nguy cơ đẻ con nhẹ cân. Theo khuyến cáo, trong 9 tháng mang thai thai phụ phải tăng trung bình 10kg. Số cân này sẽ giúp thai nhi khi sinh trung bình đạt 3kg, giúp mẹ có đủ mỡ dự trữ góp phần tạo sữa cho con bú. Năng lượng trong khẩu phần của phụ nữ có thai (theo nhu cầu là 2.550 kcalo) nhiều hơn khi không có thai (2.200 kcalo) là 350 kcalo). Tùy hoàn cảnh của mỗi gia đình, bà mẹ có thể ăn thêm cơm (chỉ cần ăn thêm 2 bát cơm mỗi ngày là đã đưa vào cơ thể thêm 300kcalo) hoặc thêm củ khoai, bắp ngô, quả trứng, đậu, vừng, lạc, rau quả chín. Nếu có điều kiện thêm thịt, cá, sữa...
Vi chất dinh dưỡng rất quan trọng
Ở Việt Nam, nghiên cứu cho thấy, cứ 2 phụ nữ có thai thì 1 phụ nữ bị thiếu máu do thiếu sắt. Vì vậy, khi có thai, ngay cả trong trường hợp bà mẹ cảm thấy sức khỏe bình thường không có nghĩa là không bị thiếu sắt. Hơn nữa, kể cả khi không bị thiếu sắt, đối với phụ nữ có thai việc uống bổ sung viên sắt là điều cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sắt ngày càng cao của cơ thể mẹ và con, phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Trước hết cần cải thiện bữa ăn: tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu sắt lấy từ các thức ăn động vật: thịt, nhất là thịt nạc, cá, trứng, gan, hay từ các nguồn thức ăn thực vật: đậu đỗ, vừng lạc, rau lá xanh sẫm như: rau dền, rau ngót, rau muống, quả chín như nho, dưa hấu, hồng... và các thức ăn giàu vitamin C vì vitamin C tăng cường hấp thu sắt.
Ngoài ra, vitamin A là một vi chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với phụ nữ có thai. Một số nghiên cứu cho thấy, khi người mẹ có thai bị thiếu vitamin A có nguy cơ cao sinh con non tháng hoặc nhẹ cân. Vì vậy, cần đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A cho người mẹ khi mang thai, nhu cầu vitamin A cần đưa vào cơ thể là 600mcg/ngày. Ở nước ta, lượng vitamin A trong khẩu phần của phụ nữ có thai ăn vào hằng ngày còn thiếu một nửa so với nhu cầu. Để phòng chống thiếu vitamin A trong thời kỳ này, phụ nữ khi có thai cần tăng cường sử dụng các thức ăn nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và các thức ăn có nhiều các chất tiền vitamin A (được gọi là beta-caroten) có trong các thức ăn nguồn gốc thực vật như các loại rau lá màu xanh sẫm, quả chín có màu vàng, màu đỏ như: đu đủ, xoài, hồng, bí đỏ, cà chua...
Những thức ăn phụ nữ mang thai nên kiêng
Gia vị cay nóng: một số gia vị như hồ tiêu, gừng, vỏ quế, hồi hương, ớt, tỏi, giấm... đó là những gia vị dùng hằng ngày, đa số thuộc tính nhiệt, Đông y cho rằng, ăn nhiều gia vị tính nhiệt sẽ gây tác dụng phụ hao tâm, sinh nhiệt hại thai, đồng thời dễ gây táo bón, thai nhi sau khi sinh dễ mắc chứng mẩn ngứa.
Đặc biệt, người dị ứng với đồ hải sản lại càng nên kiêng một số hải - thủy sản như cua, ba ba, hải đới.
Mộc nhĩ đen tuy có tác dụng bồi bổ tỳ vị nhưng đồng thời cũng có tác dụng hoạt huyết tiêu ứ nên không có lợi cho quá trình tăng trưởng và ổn định của thai nhi, vì vậy không nên ăn nhiều.
Ý dĩ nhân là vị thuốc và thức ăn, nó có tính năng trơn nhuận, có tác dụng gây kích thích cơ tử cung, làm cơ tử cung co thắt, dẫn đến nguy cơ sẩy thai. Vì vậy, người có tiền sử dễ sẩy thai không nên ăn.
Không nên dùng các loại kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc. Không ăn quá nhiều muối, đặc biệt phụ nữ mang thai đang có tăng huyết áp, đa ối...
BS. Nguyễn Kim Dung
|