Đa phần các gia đình ở thành phố thường có ít con (1 đến 2 con) và có điều kiện kinh tế hơn nên việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái có phần “chu đáo” hơn các khu vực ngoại thành, vùng dân cư, hẻo lánh…
Tuy nhiên, để có những hiểu biết khoa học khi dùng thuốc tẩy giun cho trẻ như: thời điểm tẩy giun, độ tuổi tẩy giun, những lưu ý cần thiết khi tẩy giun…thì không chỉ có các ông bố bà mẹ ở nông thôn mà ở thành phố không phải ai cũng biết.
Vậy, những biểu hiện trẻ bị đau bụng giun? Khi nào thì có thể tẩy giun cho trẻ? Chúng ta sẽ cùng Benh.vn tìm hiểu.
Các biểu hiện trẻ bị đau bụng giun
+ Đau bụng quanh rốn.
+ Đau bụng thành cơn, có cảm giác buồn nôn và nôn.
+ Có thể nôn ra giun nếu chúng chui lên dạ dày.
+ Trẻ đi ngoài sống phân, phân lỏng.
+ Trẻ có thể đi ngoài ra giun…
Đau bụng quanh rốn, buồn nôn, đi ngoài phân sống…là biểu hiện trẻ bị đau bụng giun
Trẻ có giun ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
+ Ảnh hưởng đến đường tiêu hóa dẫn đến không hấp thu được nhiều dinh dưỡng (do bị chia sẻ dinh dưỡng với giun).
+ Trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc.
+ Trẻ có thể bị tắc ruột do búi giun.
+ Gây ra những cơn đau cấp khi giun chui lên đường mật.
+ Gây đau dạ dày cấp khi giun chui lên dạ dày.
+ Trường hợp giun chui lên ống tụy, gây viêm tụy cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng.
+ Một số loại giun khác trong quá trình sinh trưởng và phát triển có thể di trú lên mắt, não….
Giun gây ra những cơn đau cấp khi chúng chui lên đường mật
Thời gian tẩy giun cho trẻ
+ Trẻ 2 tuổi có thể tẩy giun.
+ Trẻ dưới 2 tuổi có giun thì cha mẹ sẽ tẩy giun cho con theo chỉ dẫn của bác sĩ.
+ Đối với những trẻ không bị đau bụng, không có các triệu chứng có giun thì ngoài 4 tuổi cũng cần tẩy giun cho trẻ…
Phương pháp đề phòng bệnh giun cho trẻ
+ Đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho trẻ: uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín, các loại trái cây nên gọt vỏ sau khi rửa.
+ Giữ vệ sinh trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ.
+ Không cho trẻ ăn sống (các món trần, nhúng) mà phải cho trẻ ăn chín, uống sôi.
+ Thường xuyên cắt móng tay, rửa hậu môn bằng xà phòng tắm sau mỗi lần bé đi đại tiện, không cho bé đi đại tiện bừa bãi.
+ Nhắc nhở con có ý thức rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
+ Ở nông thôn, cần bố trí khu vực xử lý phân xa nơi ở và giếng nước, không để bé bò lê la, nghịch đất cát.
+ Định kỳ 6 tháng cho bé uống thuốc tẩy giun một lần. Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà.
Nhắc nhở con có ý thức rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh
Lời kết
Tẩy giun cho trẻ là việc làm cần thiết vì nếu không được tẩy giun, trẻ sẽ trở nên còi cọc, thiếu dinh dưỡng, trẻ có thể bị tắc ruột do búi giun, hoặc gây ra những cơn đau cấp khi giun chui lên đường mật, giun sinh trưởng, phát triển và di trú lên mắt, não….
Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệụ: đau bụng kèm buồn nôn, nôn ra giun, ngoáy đít...cần tẩy giun cho trẻ. Thông thường, trẻ 2 tuổi là có thể tẩy giun, trong trường hợp trẻ nhỏ hơn nhưng có giun thì cha mẹ cần tẩy giun cho con theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, để phòng bệnh giun, cha mẹ nên chú ý đến việc vệ sinh ăn uống, giữ vệ sinh tay chân cho trẻ nhất là sau khi đi vệ sinh. Tuyệt đối không cho trẻ ăn sống, ăn các đồ ăn tái,… mà phải cho trẻ ăn chín, uống sôi.
Theo nguồn: Benh.vn
|