Bệnh nhi là bé Nguyễn Văn Linh, 12 tuổi (tại Phúc Thọ, Hà Nội). Bệnh nhi được đưa vào khoa Nhi, BV Bạch Mai ngày 14/9 trong tình trạng sốt cao, rét run, mạch nhanh, huyết áp giảm, nổi các ban đỏ, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, tổn thương phổi và có biểu hiện đau các cơ, khớp. Trước đó, bệnh nhi xuất hiện những vết ngứa ở chân, gãi nhiều và tự ý dùng thuốc, vết ngứa đã bắt đầu liền sẹo.
Các bác sĩ đã nhanh chóng chẩn đoán xác định bệnh nhi đã bị nhiễm trùng huyết do vi khuẩn tụ cầu. Ngay lập tức, bệnh nhi được tiến hành cho thở máy và sử dụng kháng sinh Vancomycin điều trị tụ cầu; đồng thời được truyền dịch, sử dụng thuốc trợ tim, vận mạch để nâng dần huyết áp lên mức bình thường.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh không có nhiều tiến triển, trẻ vẫn sốt cao. Các bác sĩ chuyển sang dùng kháng sinh chống tụ cầu thế hệ thứ 3 để tiêu diệt vi khuẩn tụ cầu nhưng trẻ đã nhanh chóng rơi vào tình trạng khó thở, biến chứng tràn khí màng phổi.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: “Khi chúng tôi tiến hành các xét nghiệm ngoài cơ thể trẻ lại không thấy tình trạng vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khẳng định bệnh nhân nhiễm vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc và đã quyết định cho bệnh nhân sử dụng loại kháng sinh thế hệ thứ 3 là Linezolid thì thấy bệnh nhân có đáp ứng với thuốc. Do bệnh nhân bị biến chứng tràn khí màng phổi nên đã phải phẫu thuật dẫn khí và mủ từ màng phổi ra ngoài”.
Sau hơn một tháng điều trị, đến nay, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt, hai bên phổi tương đối giống nhau, không bị xẹp, lép, hồi phục gần như bình thường. Bệnh nhân cũng đã được các bác sĩ cho tập thở, phục hồi chức năng phổi ngay tại bệnh viện.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi Linh.
Theo PGS. Dũng, bình thưởng, khuẩn tụ cầu vàng sống ngoài da, không gây hại cho cơ thể nhưng nếu có vết thương chúng rất dễ xâm nhập qua da vào máu. Thông thường nếu không kháng thuốc, vi khuẩn tụ cầu rất dễ điều trị nhưng nếu đã kháng thuốc thì bệnh tiến triển nặng, việc điều trị rất khó khăn.
Do đó, PGS. Dũng khuyến cáo không nên coi nhẹ các nhiễm trùng ngoài da, thậm chí chỉ đơn giản là vết xây xước nhỏ, mụn nhọt ngoài da. Vi khuẩn xâm nhập từ da vào máu rất nhanh chỉ trong vài ngày.
Bên cạnh đó, PGS. Dũng cũng báo động tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng. Theo ông, tình trạng kháng kháng sinh rất nguy hiểm nhưng càng ngày càng phổ biến. Y văn trước đây thường gặp các ca bệnh kháng thuốc tại BV nhưng gần đây tình trạng kháng kháng sinh tại cộng đồng có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là ca đầu tiên nhiễm trùng huyết tụ cầu biến chứng tràn mủ, tràn khí màng phổi mà lại mắc từ nhà và vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc nặng như thế này, do việc sử dụng kháng sinh bừa bãi.
“Phụ huynh tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ nhỏ khi có biểu hiện ốm sốt mà không có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa”- PGS. Dũng khuyến cáo.
Dương Hải- Theo SK&ĐS
|