Thai phụ Nguyễn T. N. T (30 tuổi, TP.HCM) được làm thụ tinh trong ống nghiệm, chuyển phôi trữ lạnh. Sau đó, sản phụ được khám thai định kỳ với tình trạng song thai. Trước đó, thai phụ từng có tiền căn điều trị cơn đau quặn thận, nhưng các xét nghiệm sàng lọc trước sinh cho thấy thai kỳ có nguy cơ thấp. thai phụ tiêm ngừa đủ hai mũi ngừa uốn ván. Tuy nhiên, đến lúc thai kỳ được 27 tuần với lý do dọa sinh non. Sau hơn nửa tháng nhập viện theo dõi, thai phụ than buồn nôn nhiều, không chóng mặt nhức đầu, không nhìn mờ, không đau thượng vị. Các kết quả xét nghiệm và khám lâm sàng chưa có gì bất thường, thai phụ được giải thích theo dõi thêm và sử dụng bethamethasone để hỗ trợ trưởng thành phổi ở thai nhi.
Viêm tụy cấp. Ảnh minh họa
Một ngày sau, thai phụ vẫn buồn nôn, kèm tiêu phân sống 1 lần/ngày, cảm giác nóng vùng thượng vị vẫn còn nhưng có giảm. Hai ngày sau, thai phụ bắt đầu đau liên tục, không có điểm đau khu trú, thỉnh thoảng có những cơn quặn đau vùng thượng vị. Bệnh nhân phải đứng dậy, gập người mới có cảm giác dễ chịu. Thai phụ bệnh đừ, vẻ mặt mệt mỏi, huyết áp cao. Thai phụ được xử trí hạ áp và ngừa co giật. Lúc này thành bụng của thai phụ căng cứng chứ không còn mềm như mấy tiếng trước đó. Ban đầu các BS cho rằng bệnh nhân bị xoắn buồng trứng khi mang thai ở tuổi thai 30,5 tuần. Nhưng kết hợp các biểu hiện lâm sàng và kết quả nội soi, hội chẩn với các BS BV. Chợ Rẫy, thai phụ được chuyển viện vì các BS phát hiện hai buồng trứng bình thường, nhưng có hình ảnh “vẩy nến” đặc thù của viêm tụy cấp. Các xét nghiệm sau đó cũng cho thấy thai phụ gặp phải một tình trạng viêm tụy cấp khá hiếm gặp. Tại BV. Chợ Rẫy, thai phụ được điều trị nội khoa, theo dõi sát tim thai. Sau đó hai ngày, các BS quyết định mổ cấp cứu để bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Hiện sức khỏe mẹ ổn định, bé đang theo dõi khám sức khỏe và tiêm chủng định kỳ.
Theo ThS. BS. Đặng Quang Vinh - Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe Sinh sản (Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM), viêm tụy cấp trong thai kỳ là một bệnh lý hiếm gặp với tần suất được ghi nhận từ 1/1.000 đến 3/10.000. Bệnh có thể diễn tiến theo nhiều thể từ nhẹ đến nặng, với tình trạng hoại tử, áp xe hay suy đa cơ quan, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Nguy cơ tỉ lệ tử vong mẹ và con có thể lần lượt là 20% và 50%. Số liệu cho thấy bệnh thường xuất hiện ở tam cá nguyệt giữa và cuối, trong đó có đến 43 - 62,5% xuất hiện ở 3 tháng cuối. Do đó, các BS thường gặp khó khăn trong việc chẩn đoán viêm tụy cấp. Hai cơ chế bệnh sinh có thể liên quan đến viêm tụy cấp, trong đó sỏi mật là nguyên nhân thường gặp. Yếu tố thứ hai là tăng triglyceride máu. Trong khi mang thai ở những giai đoạn cuối, áp lực trong ổ bụng tăng có thể làm tăng áp lực trong các ống dẫn mật.
Trong viêm tụy cấp thai kỳ, chỉ định chấm dứt thai kỳ (mổ lấy thai) thường được đặt ra khi thai đủ tháng, tình trạng thai phụ không cải thiện sau 24 -– 48g điều trị bằng thuốc, thai lưu hay viêm tụy cấp diễn tiến nặng, nhất là viêm tụy cấp có thể hoại tử và liên quan đến tình trạng tăng lipid máu. Trong quá trình điều trị nội khoa, các chuyên gia y tế sẽ theo dõi sát tim thai và theo dõi sự tiết ra các cytokines do tình trạng viêm dẫn đến các cơn gò tử cung gây sinh non. Thai phụ còn được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch để giảm bớt tác dụng phụ trên thai nhi và người mẹ.
Phương Khánh- Theo SK&ĐS
|