Số tử vong, đã vượt quá con số 1.000 từ tuần trước đó, đã tăng vọt trong 3 ngày thứ Năm, Sáu và Bảy tuần vừa qua.
Số ca bệnh được xác nhận đã tăng thêm 113 người trong 3 ngày, đưa tổng số ca bệnh lên 2.240.
Liberia cố gắng tìm kiếm các bệnh nhân “mất tích”
Liberia đang tuyệt vọng truy tìm 17 bệnh nhân Ebola đã bỏ trốn sau cuộc tấn công vào một trung tâm kiểm dịch ở thủ đô Monrovia.
Cho đến này công tác tìm kiểm ở khu ổ chuột đông dân West Point vẫn chưa đưa được bất cứ nạn nhân bỏ trốn nào trở về. Trong khi nước láng giềng Guinea tố cáo về một làn sóng bệnh nhân Liberia đang bắt đầu vượt biên khi biên giới nước này đã bị chính thức đóng cửa từ 10 ngày trước.
Các nhà chức trách đang tính tới việc phong tỏa khu vực có 75.000 dân này để ngăn chặn một viễn cảnh “ác mộng” - những người mang căn bệnh cực dễ lây lang thang khắp thành phố - nơi những xác chết không được chôn cất bị bỏ mặc lăn lóc trên đường.
Bộ trưởng thông tin Lewis Brown cảnh báo: “Tất cả những tên côn đồ đập phá trung tâm này hiện đều có thể đang mang bệnh... Bọn chúng đã lấy đi chăn đệm thấm đầy chất dịch của bệnh nhân. Kiểm dịch khu vực này có thể là một giải pháp. Chúng tôi đang có nguy cơ đối mặt với một tình huống khó kiểm soát”.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cộng đồng cho biết nhiều bệnh nhân đã chạy xa.
Wilmont Johnson, chủ tịch một hội thanh thiếu niên ở West Point nơi đã tổ chức tìm kiếm các bệnh nhân cho biết: “Những người nhìn thấy các bệnh nhân bỏ trốn cho biết những bệnh nhân này đã chạy đến những nơi khác”.
Chủ tịch Hiệp hội nhân viên y tế Liberia, George Williams, cho biết 29 bệnh nhân ở cơ sở bị tấn công “tất cả đều xét nghiệm dương tính với Ebola" và đang được điều trị sơ bộ trước khi chuyển tới bệnh viện. Fallah Boima, có con trai là Michel nằm trong số những bệnh nhân bỏ trốn cho biết: "Tôi sợ rằng nó có thể chết ở đâu đó và tôi không biết”.
Trước đó, đám đông thanh niên đã bất ngờ tấn công một cơ sở y tế đặt tại một trường trung học tại khu ổ chuột đông dân cư ở thủ đô Monrovia hôm thứ Bảy vừa qua, một số hô to "không có Ebola", ám chỉ những lời đồn đại vẫn lan truyền tại đây cho rằng dịch bệnh là do phương Tây dựng lên.
Bên ngoài thủ đô ở Caldwell, thân nhân của những người chết chỉ trích chính phủ vì phản ứng quá chậm chạp, các thi thể bị bỏ mặc trong nhiều ngày.
Sheikh Idrissa Swaray, cha của một nạn nhân, lên án cách xử lý khủng hoảng của chính quyền là “hoàn toàn sai lầm”.
Ông nhắc tới một trường hợp người chồng bị chết và người vợ, có thể đã bị nhiễm, lại bỏ trốn: “Chúng tôi thậm chí không biết người vợ đã đi đâu, còn xác chết thì vẫn ở đây. Đã 3 ngày rồi và thi thể vẫn chưa được chuyển đi”.
Liberia hiện có số tử vong cao nhất trong đợt dich đã giết chết 1.145 người trên khắp tây Phi kể từ đầu năm. Bệnh đã làm 413 người chết trong tuần qua tại Sierra Leone và Guinea, bất chấp tình trạng khẩn cấp đã được ban bố.
Làn sóng bệnh nhân Liberia
BS Sakoba Keita, người đứng đầu cuộc chiến chống dịch bệnh của Guinea cho biết một làn sóng bệnh nhân Liberia đang tràn qua biên giới ở huyện Macenta, miền nam nước này, nơi Ebola được cho là đang suy yếu.
“Chúng tôi rất lo ngại về tình huống người bệnh từ Liberia chạy sang. Chúng tôi đang có thêm ngày càng nhiều ca nghi nhiễm ở khu vực này”.
Một bác sĩ quân y Guinea đang trên đường tới biên giới cho biết: "Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể nhưng có một khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tế".
10 ngày trước Guinea đã thông báo đóng cửa biên giới với Liberia và Sierra Leone, một vùng rừng núi cực kỳ khó khăn đối với cảnh sát, và chưa rõ có bao nhiêu bệnh nhân đã lọt qua đây.
Liên minh châu Phi, Cameroon đóng cửa biên giới
Rào cản đi lại mới nhất đến từ WHO khi tổ chức này cho biết đã thành lập một lực lượng chuyên trách với các hãng hàng không và ngành du lịch toàn cầu trong một nỗ lực để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Dịch bệnh cũng đã khiến Liên minh châu Phi hủy hội nghị dự kiến tổ chức ngày 2/9 tại Ouagadougou, mặc dù cho đến nay Burkina Faso chưa bị ảnh hưởng.
Còn Cameroon cũng đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ, trên biển và trên không với quốc gia láng giềng Nigeria, và sẽ hạn chế việc đi lại tới những nước khác bị ảnh hưởng.
Vi rút đã làm chết 4 người ở Nigeria, nước đông dân nhất châu Phi. Trong khi cho đến nay Cameroon vẫn còn bình yên vô sự.
Theo báo sức khỏe$ đời sống
|