Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp gây nên bởi Bordetella pertussis. Hàng năm ước tính trên toàn thế giới có khoảng 50 triệu ca mắc ho gà, trong đó 95% ở các nước đang phát triển, và xấp xỉ 300.000 ca tử vong. Hầu hết các ca ho gà nhập viện tử vong đều là trẻ dưới 3 tháng tuổi. Điều này chủ yếu do hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa có khả năng đáp ứng với các tác nhân gây bệnh một cách hiệu quả.
Ủy ban tư vấn về thực hành tiêm chủng Mỹ khuyến cáo, trẻ sơ sinh phòng bệnh bằng tiêm chủng vắc xin phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván (DTaP) bắt đầu từ tháng tuổi thứ 2 và nhắc lại vào tháng thứ 4,6, 15-18 tháng và 4-6 tuổi. Do vậy, khoảng thời gian 3 tháng đầu đời của trẻ là thời điểm dễ lây nhiễm bệnh ho gà nhất trong khi chưa có miễn dịch đầy đủ bảo vệ trẻ.
Cho đến nay, ho gà vẫn là một vấn đề cần quan tâm của y tế công cộng ngay cả ở những nước phát triển với tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 6 tháng tuổi là 0,2%. Vì vậy, năm 2011, Ủy ban tư vấn về thực hành tiêm chủng Mỹ đã khuyến cáo tất cả phụ nữ có thai trước đây không tiêm phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván nên được tiêm vắc xin ở giai đoạn sau tuần thứ 20 của thai kỳ để truyền kháng thể thụ động đến thai nhi/trẻ sơ sinh nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh cho trẻ đặc biệt trong 3 tháng đầu đời.
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2014,nghiên cứu đánh giá tính sinh miễn dịch của vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván ở phụ nữ mang thai được thực hiện tại 3 xã của huyện Lý Nhân - tỉnh Hà Nam. 50 phụ nữ từ 18 - 35 tuổi, mang thai trong khoảng 20 - 32 tuần được tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván (ADACEL®, do công ty Sanofi, Pháp sản xuất). Nhóm chứng gồm 50 phụ nữ 18 - 35 tuổi, mang thai trong khoảng 20 - 32 tuần được tiêm vắc xin uốn ván (được sản xuất tại Việt Nam) theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Các kháng thể kháng ho gà được tiến hành phân tích và so sánh ở các thời điểm trước và sau tiêm vắc xin của các phu nữ có thai, thời điểm trước khi sinh. Đồng thời trẻ sơ sinh cũng được đánh giá miễn dịch phòng bệnh ho gà tại thời điểm ngay khi sinh.
Tất cả phụ nữ có thai trước đây không tiêm phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván nên được tiêm vắc xin ở giai đoạn sau tuần thứ 20 của thai kỳ để truyền kháng thể thụ động đến thai nhi/trẻ sơ sinh nhằm tăng cường khả năng phòng bệnh cho trẻ đặc biệt trong 3 tháng đầu của tuổi đời.
Kết quả cho thấy việc tiêm phòng vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván cho phụ nữ mang thai là có hiệu quả rõ rệt. Không chỉ phòng bệnh uốn ván cho mẹ và cho trẻ sơ sinh, mà kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rõ tác dụng phòng bệnh ho gà. Nồng độ trung bình kháng thể bảo vệ bà mẹ và của trẻ sơ sinh phòng bệnh ho gà ngay sau sinh ở nhóm các bà mẹ được tiêm bạch hầu – ho gà – uốn ván cao hơn rất rõ rệt sau khi tiêm chủng là 6,36 lần. Kháng thể bảo vệ phòng bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh có xu hướng cao hơn trong máu bà mẹ tại thời điểm ngay khi trẻ chào đời. So sánh khả năng bảo vệ phòng bệnh ho gà ở các bà mẹ được tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván và con của họ với nhóm các phụ nữ có thai tiêm uốn ván ở cùng thời điểm, kháng thể bảo vệ bà mẹ và trẻ sinh ra ở nhóm được tiêm vắc xin phối hợp đảm bảo đầy đủ kháng thể phòng bệnh ho gà cao hơn rất rõ rệt.
Kết quả đánh giá tính an toàn tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván ở phụ nữ có thai tại 3 xã của huyện Lý Nhân cho thấy vắc xin là an toàn. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi sức khỏe của bà mẹ trong một tháng sau tiêm liên tục; ghi nhận được thông tin về phản ứng phụ sau tiêm của các phụ nữ có thai là những biểu hiện thông thường: đau nhẹ , sưng dưới 3mm tại nơi tiêm; không ghi nhận bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào sau tiêm vắc xin trong một tháng và tới khi sinh. Tất cả trẻ em sinh ra từ các phụ nữ có thai đều khỏe mạnh và phát triển bình thường.
TS.BS. Dương Thị Hồng- Theo SK&ĐS
|