Bé gái được gia đình đưa đến khoa Nhi, BV Bạch Mai cấp cứu khoảng 7 giờ tối 27/10/2014 trong tình trạng tím tái toàn thân, suy hô hấp.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, khi bé đang chơi bỗng ho sặc sụa một cơn rồi hết. Trước đó, bé hoàn toàn khỏe mạnh và không có dấu hiệu gì đặc biệt. Tuy nhiên, đến 7 giờ tối, khi đang chơi súng nhựa cùng anh trai, bé thỉng thoảng có ho từng cơn. 10 phút trước khi đến viện, bé không ho nhưng người tím tái, khó thở nhiều.
Khai thác tiền sử diễn biến của bệnh nhi, các bác sĩ khoa Nhi nghĩ nhiều đến khả năng bé bị hóc dị vật. Kết quả kiểm tra phổi thấy thông khí phổi trái giảm, soi kiểm tra thanh môn, họng thì không phát hiện dị vật nhưng do nghĩ nhiều đến khả năng hóc dị vật ngay lập tức các bác sĩ tiến hành làm thủ thuật Heimlich (tống dị vật ra ngoài), song bệnh nhân vẫn tím tái.
BS. Nguyễn Công Khắc cho biết, trước tình trạng bệnh nhân khó thở, kích thích tăng lên, các bác sĩ đã đặt nội khí quản, hội chẩn qua điện thoại với BV Tai-Mũi-Họng Trung ương và chuyển bệnh nhân sang đây. Đúng như chẩn đoán, sau khi gây mê nội soi, các bác sĩ đã gắp dị vật là đầu đạn nhựa đen có chiều dài hơn 2cm, là nguyên nhân khiến bé tím tái, khó thở do án ngữ đường thở.
Sau khi được chuyển về khoa Nhi thở máy ổn định, đến sáng 28/10 bệnh nhi đã hoàn toàn khỏe mạnh, được rút nội khí quản.
Phòng ngừa hóc dị vật thế nào?
Với ca bệnh này, bệnh nhi có biểu hiện tím tái ngay sau đó nên được phát hiện sớm. Thực tế có những trường hợp hóc dị đường thở bị bỏ quên đến cả vài tháng, thậm chí vài năm mới được phát hiện sau khi chữa đi chữa lại các biểu hiện hen, khò khè, khó thở như một bệnh lý. Bởi lẽ, sau khi hóc, trẻ chỉ khó thở, khóc thét một lúc khi dị vật trôi qua lại thấy dễ chịu.
Các bác sĩ đã gắp ra dị vật là đầu đạn nhựa đen có chiều dài hơn 2cm. Ảnh BSCC
Các bác sĩ cảnh báo, hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ. Cá biệt, có những trường hợp hóc dị vật bỏ quên, có những biểu hiện khó thở, khò khè… gần giống bệnh viêm phổi, hen phế quản. Do bệnh nhân hóc dị vật ở dạng “hội chứng xâm nhập thoáng qua”, khi vừa bị hóc, trẻ khó thở, tím tái, hốt hoảng, khóc thét nhưng sau đó dị vật trôi xuống khí quản, phế quản thì giảm hoặc hết triệu chứng. Sau đó, trẻ sẽ khó chịu, có cảm giác khó thở, ho dai dẳng… do dị vật nằm trong thực quản ép vào thanh quản, khí quản.
Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn, hay có thể làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn.
Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là tuyệt đối tránh để trẻ chơi với các đồ chơi nhỏ, dễ vỡ; tiền xu, hạt vòng, đeo các loại trang sức có chi tiết trang trí nhỏ, không ăn các loại trái cây có hạt...
D.Hải-Theo SK&ĐS
|