Chiều ngày 29/10, BS. Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, khoa đang cấp cứu và điều trị tích cực cho nam bệnh nhân Lê Minh Dít, 26 tuổi, trú ở Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Bệnh nhân này hiện đang trong tình trạng bị hôn mê sâu do ăn 1 con ốc biển.
Chị Lê Thị Kim Thoa (29 tuổi), chị ruột của bệnh nhân cho biết: “Khoảng hơn 12 giờ trưa 26/10, em trai tôi đi đánh bắt hải sản ngay ven biển thôn Phú Hội 2 (xã Vạn Thắng), có bắt được mớ ốc biển đem vào bờ luộc chín, thấy có 1 con hình thù đẹp nên ăn trước, chỉ ít phút sau thấy tê lưỡi nên gọi chị. Gia đình nhanh chóng đưa vào Bệnh viện huyện cấp cứu, đồng thời có mang theo vỏ ốc. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe ngày càng nặng, nên được chuyển lên bệnh viện tỉnh vào khoảng 18 giờ cùng ngày”.
Theo BS. Phương, mặc dù đã tích cực điều trị kháng sinh, truyền dịch, thở máy…liên tục, nhưng hiện tại bệnh nhân vẫn chưa tỉnh. Các bác sĩ tại Khoa hồi sức tích cực và chống độc, BVĐK tỉnh Khánh Hòa vẫn đang chạy đua với “tử thần”, điều trị tích cực 24/24 giờ liên tục, tập trung mọi điều kiện có thể để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã phối hợp ngay với các chuyên gia của Viện Hải dương học Nha Trang, lấy mẫu bệnh phẩm, kèm vỏ ốc để phân tích.
BN vẫn đang bất tỉnh tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc BVĐK tỉnh Khánh Hoà.
Theo văn bản trả lời của Viện Hải dương học chiều 28-10, được biết, loại ốc mà bệnh nhân đã ăn có tên tiếng Anh là Glans Nassa, tên tiếng Việt là ốc bùn bóng, thường sinh sống ở đáy biển ven bờ Việt Nam. Loại này có độc tố mang tên Tetrodotoxin (TTX), độc tố thần kinh cực mạnh…”. Các chuyên gia của Viện Hải dương học cũng ghi nhận một vụ tương tự đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2006. Theo đó, triệu chứng lâm sàng thường gặp khi ăn phải loại ốc này chỉ trong vòng 20 phút, đến 3 giờ là có cảm giác tê, rát ở môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, đầu, nôn mửa, loạng choạng… có thể tử vong sau 30 phút, hoặc 8 giờ, nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các chuyên gia khuyến cáo, thông thường có một số loại ốc biển không hề gây ngộ độc cho người, nhưng đột nhiên trong một thời điểm nào đó lại trở nên độc… Vì vậy, không nên ăn các loài sinh vật biển có tiền sử nghi ngờ có độc, hay chưa được kiểm chứng chắc chắn an toàn thực phẩm. Mặt khác, sau khi ăn bất cứ loại ốc biển nào có triệu chứng mô tả như trên, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, nhằm giảm thiểu tối đa xảy ra tử vong đáng tiếc.
Hoàng Dương- Theo SK&ĐS
|