Chia sẻ với trẻ về căn bệnh
Nhiều người cho rằng, trẻ con không thể hiểu về bệnh tật và không cần phải hiểu. Họ sợ rằng trẻ sẽ thêm lo lắng. Vì thế, họ đã giấu trẻ về căn bệnh. Nhưng sự né tránh đó khiến trẻ cảm thấy hoang mang, phải phỏng đoán những gì đang diễn ra với mình. Cần nói chuyện với trẻ về căn bệnh mà trẻ đang mắc phải. Diễn giải cho con hiểu trên cơ sở khoa học, không nên miêu tả bệnh một cách chung chung. Người thân cần học thêm kiến thức về bệnh. Có kiến thức y khoa, việc giải thích cho trẻ về bệnh sẽ dễ dàng và chính xác hơn. Nói với trẻ vừa đủ về những triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh. Khi cung cấp quá nhiều thông tin, trẻ sẽ dễ bị ngộ nhận.
Cần giải thích một số giả thuyết về nguyên nhân của bệnh. Không nên khẳng định và đổ lỗi cho trẻ khi nói về nguyên nhân. Trẻ sẽ có cảm giác tội lỗi, mặc cảm và tự dằn vặt mình. Hãy công nhận cảm xúc buồn đau khi bị bệnh của trẻ. Hãy nói với trẻ rằng, bệnh tật là điều không ai muốn và không dễ tránh khỏi. Có nhiều căn bệnh do bẩm sinh, do môi trường, do tác động khách quan, nhưng nếu biết cách phòng tránh và tự bảo vệ thì sẽ giảm bớt hậu quả. Nên khuyến khích cho trẻ tham gia vào quá trình điều trị. Với sự hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ nên giải thích cho trẻ biết cần làm gì. Việc tuân thủ mọi yêu cầu chữa trị sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục hơn. Khi trẻ biết vai trò quan trọng của mình trong quá trình điều trị, sẽ chủ động hơn, có tinh thần trách nhiệm với bản thân, cảm nhận được giá trị của mình hơn.
Trải nghiệm cùng trẻ
Hãy cho trẻ cơ hội trao đổi những trải nghiệm của mình về những ngày bị bệnh tật. Khi được chia sẻ những cảm xúc tiêu cực, trẻ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Khi được lắng nghe và ghi nhận, được khuyến khích, trẻ sẽ thấy lạc quan hơn. Từ những trải nghiệm của bản thân về bệnh tật, trẻ sẽ thông cảm với những người cùng cảnh ngộ, và cũng giúp những người khác hiểu và biết cách phòng tránh bệnh tật, giữ gìn sức khỏe hơn. Trẻ cũng hiểu thêm về giá trị của sức khỏe, cảm nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc của mọi người đối với mình.
Hãy cùng trẻ lên những kế hoạch cho những ngày sau khi khỏi bệnh. Kế hoạch chi tiết và thú vị sẽ tạo cho trẻ cảm giác hào hứng. Có những điều trước khi bị bệnh, trẻ chần chừ chưa làm; nay hãy cùng lên “chương trình hành động” để trẻ có động lực chữa lành bệnh. Có thể, bệnh tật sẽ để lại một số di chứng, hãy cho trẻ lường trước để trẻ không bị thất vọng, hụt hẫng.
Khẳng định tình yêu thương
Đừng quên nói rằng, bạn rất hiểu và thương yêu trẻ. Nhưng sự chăm sóc nên giữ đúng mực để trẻ không dựa dẫm, nhõng nhẽo, thậm chí đôi khi có yêu sách. Hãy để cho bé có cơ hội tự chăm sóc mình, bạn chỉ làm thay những việc mà biết chắc bé không thể làm được. Trẻ sẽ tìm thấy được ý nghĩa tích cực trong từng sự cố gắng của mình. Hãy nói với trẻ bằng thái độ lạc quan, hài hước để cảm thấy bệnh tình vơi bớt.
Võ Thị Minh Huệ (Chuyên gia tâm lý)- theo SK& ĐS.
|