Báo động ô nhiễm trong nhà
Theo một công bố mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2012, có khoảng 7 triệu người chết liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trong đó, 3,3 triệu ca tử vong bắt nguồn từ ô nhiễm trong nhà, tập trung tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Nghiên cứu này cũng phân tích tỉ lệ phân bố các trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà, trong đó 34% do đột quỵ, 26% liên quan đến bệnh thiếu máu cục bộ ở tim, 22% liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 12% do nhiễm khuẩn hô hấp dưới cấp tính ở trẻ em và 6% do ung thư phổi.
Với kết quả này, nhóm nghiên cứu cho rằng ô nhiễm không khí trong nhà tác động gấp 2-8 lần so với các bệnh có nguyên nhân do ô nhiễm bên ngoài. WHO chỉ ra các chất ô nhiễm thông thường có thể tìm thấy trong nhà, ở văn phòng làm việc là bụi bông, khói thuốc, benzen, formaldehyde, naphthalene, vi sinh vật…
Nhiều vật dụng trong nhà có thể gây nhiễm độc (Ảnh: Hoàng Triều)
Trước đó, một nghiên cứu trong 4 tòa nhà ở nội thành Hà Nội cho thấy nồng độ formaldehyde, ozone, nồng độ bụi hô hấp, các chỉ tiêu sinh vật như nấm đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Nếu tiếp xúc với hóa chất này trong thời gian dài, dù hàm lượng cao hay thấp, cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể.
GS-TS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí. Đáng lo ngại là ở một số thành phố lớn, môi trường không khí trong nhà thường bị ô nhiễm hơn môi trường không khí bên ngoài bởi không khí trong nhà vừa “dung nạp” không khí bên ngoài vừa gánh chịu tác động của các nguồn khí thải từ việc đun nấu, hóa chất tẩy rửa, hơi xăng dầu từ xe máy, nấm mốc, các hóa chất độc hại phát sinh từ vật liệu nội thất… “Đây được coi là “sát thủ” vô hình đối với sức khỏe con người” - GS Đăng nhận định.
Nhìn đâu cũng thấy “kẻ thù”
PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, cho rằng Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn về không khí trong nhà. Cách đây hơn 1 năm, Bộ Y tế xây dựng dự thảo tiêu chí môi trường không khí trong nhà nhưng đến nay chưa được ban hành. “Chúng ta vẫn thường cảnh báo người già, trẻ nhỏ nên hạn chế ra đường để tránh các bệnh đường hô hấp, dị ứng... nhưng trớ trêu là họ lại hít phải khí độc hoặc nhiễm độc từ các vật dụng ngay trong nhà” - PGS Nga cảnh báo.
Giới chuyên môn cho biết formaldehyde là một trong các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà, trong khi những vật dụng mà con người hay tiếp xúc như vật liệu bằng gỗ, rèm cửa, chăn gối, bọc đệm ghế, thảm, xốp cách điện… thường chứa chất này. Ở nồng độ trên 0,1 mg/kg không khí, việc hít thở phải formaldehyde có thể gây chảy nước mắt, đau đầu, cảm giác nóng trong cổ họng và khó thở. “Nhiều gia đình có thói quen sử dụng những viên long não (hay băng phiến) để đuổi gián và những loài gặm nhấm ra khỏi nhà nhưng thực tế trong long não, loại được tổng hợp từ naphthalene, rất độc hại. Nếu phải “chung sống” với chất độc này trong ngôi nhà của mình thời gian dài có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, bồn chồn, buồn nôn, vàng da… rất nguy hiểm cho phụ nữ có thai và trẻ em” - PGS Nga cảnh báo.
Không chỉ những người sống trong không gian chật chội bị nhiễm độc mà ngay cả ở các văn phòng cửa kính hay nhà ở rộng rãi cũng có những vật dụng là “ổ chứa” của nhiều mầm bệnh. Theo PGS Nga, máy điều hòa không khí chính là “thiên đường” của “đội quân” hùng hậu vi khuẩn, virus và nấm mốc… sẵn sàng tấn công sức khỏe của mọi người nếu không biết vệ sinh đúng cách.
Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết những năm gần đây, tỉ lệ người bị dị ứng, hen, viêm đường hô hấp gia tăng đáng kể. Thay đổi thời tiết có thể làm biến đổi thành phần bụi, từ đó các vật dụng như thảm trải nhà, lông động vật, hóa chất… là nguy cơ gây ra các bệnh dị ứng, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay các đợt nhiễm trùng hô hấp. Hiện chúng ta chưa có biện pháp hoặc hóa chất nào có thể loại trừ hoàn toàn các “kẻ thù” nói trên.
Trồng cây trong nhà để hút khí bẩn
Theo giới chuyên môn, để giải phóng khí bẩn trong nhà, ta nên lắp quạt thông gió. Ngoài ra, phải thường xuyên mở cửa để tạo sự trao đổi thông thoáng không khí trong và ngoài nhà qua cửa sổ hay hệ thống đường ống thông gió chuyên dụng. Ngoài ra, trồng cây trong nhà cũng là một cách làm giảm ô nhiễm không khí vì cây hấp thụ CO2 rất tốt, hút khí độc do đun nấu hay các chất gây ô nhiễm khác gây ra. PGS Nguyễn Huy Nga cũng khuyên mọi người trước khi ngủ nên tắt điện thoại, tivi để tránh những tác động không tốt cho giấc ngủ.
|