Nhiều nguy cơ
Sa dây rốn là một trong những tai biến sản khoa gây hậu quả là suy thai cấp nếu mổ cấp cứu lấy thai chậm, thai nhi sẽ bị suy hô hấp, hôn mê và tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ bị tổn thương não do thiếu ôxy dẫn đến di chứng. Tùy từng trường hợp sa dây rốn mà thai nhi có thể tử vong ngay trong bụng mẹ, thậm chí trong thời gian từ vài phút đến gần 30 phút. Vì thế nên khi phát hiện sản phụ bị sa dây rốn thì biện pháp phẫu thuật cứu thai nhi là ưu việt nhất.
Xảy ra khi nào?
Sa dây rốn là biến chứng thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ (thai khoảng hơn 38 tuần). Hiện tượng này dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ. Vì thế, khi phát hiện sản phụ mắc sa dây rốn, cần được cấp cứu kịp thời trong vòng 30 phút thì may ra mới cứu được trẻ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dây rốn do mẹ (sinh đẻ nhiều lần); thai (ngôi thai bất thường); phần phụ (đa ối...); bấm ối khi ngôi còn cao lỏng...
Cho đến nay cũng chưa có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hiện tượng sa dây rốn. Vì vậy, điều quan trọng nhất để tránh tai biến này, các thai phụ cần đi khám thai định kỳ; bác sĩ có thể phát hiện yếu tố nguy cơ để cảnh báo cũng như tư vấn chọn nơi đẻ an toàn (có điều kiện mổ đẻ).
Hướng dẫn thai phụ nằm đầu thấp, mông cao khi bị sa dây rốn.
Thai phụ cần làm gì?
Khi bị sa dây rốn, sản phụ có thể cảm thấy dây rốn trong vùng kín. Khi cảm thấy sự bất thường, cần gọi xe cấp cứu ngay lập tức và thông báo khẩn cấp cho cán bộ y tế về tình trạng mắc sa dây rốn. Không cố gắng đẩy dây rốn trở lại, tránh ăn uống trước khi sinh vì xác suất phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con rất cao.
Trong khi chờ xe cấp cứu đến, để giảm rủi ro cho việc dây rốn bị chèn ép quá nhiều, bác sĩ khuyên thai phụ nên duy trì ở tư thế úp mặt xuống sàn nhà với đầu gối quỳ gập, khuỷu tay và bàn tay úp sát sàn nhà, không được rặn...
Để cấp cứu kịp thời, ở những tuyến cơ sở không có điều kiện vận chuyển bằng ôtô phải cố gắng huy động phương tiện để có cơ hội cứu sống thai nhi. Vì thời gian vàng để cứu sống thai nhi là quá ngắn nên đây cũng là điều vô cùng khó khăn ở các tuyến cơ sở như xã, phòng khám khu vực, vùng sâu vùng xa... không có điều kiện mổ lấy thai.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh- Theo báo Sức Khỏe& Đời Sống.
|