Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc gây hậu quả gì?
Khi nói đến ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, các nhà khoa học thường đề cập đến ký sinh trùng Plasmodium falciparum kháng thuốc là chủ yếu vì tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới gây khó khăn về chuyên môn kỹ thuật đối với công tác phòng chống sốt rét. Trường hợp tại địa phương có sự hiện diện của chủng loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc sẽ mang đến những hậu quả như: Việc điều trị tiệt căn, dứt điểm bệnh sốt rét gặp nhiều hạn chế. Bệnh sốt rét mắc phải diễn biến nặng hơn, kéo dài dai dẳng, tái phát nhiều lần, tỷ lệ chuyển đổi từ sốt rét thể thông thường sang sốt rét ác tính cao hơn, tỷ lệ tử vong do sốt rét cũng tăng. Khi dịch sốt rét xảy ra rất khó phòng chống, khó thực hiện được chiến lược thanh toán hay loại trừ vì nguồn bệnh sốt rét khó giải quyết; tỷ lệ muỗi truyền bệnh sốt rét chủ yếu nhiễm ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tăng lên và có nguy cơ lan rộng mầm bệnh kháng thuốc đến các vùng khác. Về mặt kinh tế, tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc làm cho số ngày công lao động của người dân bị mất đi và tăng lên; số tiền chi phí cho công tác điều trị bệnh nhân khá tốn kém, đầu tư tài chính để nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị chống kháng rất cao...
Lấy lam máu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét cho người dân tại Trạm Y tế xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: M. Thu
Biện pháp ngăn chặn
Với những hậu quả mang lại do tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã nêu trên, việc ngăn ngừa ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc cần được thực hiện bằng những biện pháp như:
Hướng dẫn và giám sát chặt chẽ công tác điều trị sốt rét tại các cơ sở y tế; thường xuyên kiểm tra nghiêm túc việc điều trị sốt rét tại các bệnh xá, bệnh viện cũng như tại các trạm y tế cơ sở theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành.
Thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe rộng rãi cho cộng đồng người dân biết cách tự chẩn đoán, tự điều trị sốt rét một cách chính xác với việc sử dụng thuốc đúng và đủ liều quy định. Đồng thời phải quản lý chặt chẽ việc bán thuốc của các nhà thuốc, hiệu thuốc tư nhân có dịch vụ cung cấp thuốc sốt rét tại một số địa phương.
Tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến ký sinh trùng sốt rét ở các bệnh nhân được điều trị, thực hiện việc điều trị tiệt căn mầm bệnh có hiệu quả, phải sử dụng đủ liều thuốc đúng theo phác đồ điều trị quy định của Bộ Y tế. Cần chú ý và thận trọng việc chỉ định điều trị hàng loạt để ngăn ngừa ảnh hưởng của yếu tố áp lực thuốc; không áp dụng biện pháp điều trị phỏng chừng, điều trị dự phòng với những liều thuốc sốt rét thấp hơn liều thông thường quy định.
Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành, chọn lựa phác đồ điều trị phù hợp trên cơ sở dược động học của thuốc. Trong điều trị bằng thuốc sốt rét đặc hiệu, cần căn cứ vào kết quả xét nghiệm và chẩn đoán lâm sàng để chọn thuốc điều trị có hiệu lực và an toàn. Chú ý việc sử dụng thuốc điều trị ưu tiên lúc điều trị ban đầu và sử dụng thuốc điều trị thay thế khi gặp các trường hợp điều trị thất bại với thuốc điều trị ưu tiên được xác định cụ thể. Trên thực tế, có thể thay đổi chiến lược sử dụng thuốc sốt rét trong từng thời kỳ, giữa các vùng với nhau; đồng thời có định hướng dự trữ các loại thuốc có hiệu lực cao để sử dụng cho những trường hợp sốt rét nặng và sốt rét ác tính.
Khuyến nghị
Đứng trước thực trạng tình hình sốt rét có nguy cơ quay trở lại ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta sau những năm tác động các biện pháp phòng chống đạt hiệu quả nhưng việc duy trì thành quả không được bền vững do phải đối mặt với nhiều yếu tố có liên quan, sự xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc và sự phát sinh, phát triển, lan tỏa, phát tán của mầm bệnh kháng thuốc là một yếu tố làm hạn chế biện pháp điều trị. Việc điều trị bằng các loại thuốc sốt rét hiện có không đáp ứng hiệu quả nên khó xử trí những trường hợp điều trị thất bại; sốt rét nặng, sốt rét ác tính sẽ xuất hiện dẫn đến hậu quả tử vong là điều không thể tránh khỏi. Đồng thời sốt rét không giảm hoặc giảm chậm, có điều kiện quay trở lại và phá vỡ những kết quả phòng chống đã đạt được trong cả một quá trình. Vì vậy, các cơ sở y tế cần nghiêm túc chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc theo quy định. Điều cần quan tâm là phát hiện sớm tình hình, thực hiện tốt giải pháp can thiệp phù hợp, luôn có sẵn một số loại thuốc sốt rét chống kháng mới và phác đồ điều trị có hiệu lực cao để đối phó thực trạng.
Theo SK&ĐS
|