Có rất nhiều bậc cha mẹ khổ tâm vì chứng biếng ăn của trẻ. Mặc dù cha mẹ đưa cho thức ăn bổ dưỡng, trông rất ngon miệng, kèm theo lời dụ dỗ ngọt ngào hoặc lời đe đọa dữ dằn, trẻ vẫn không thèm ăn.
Nguyên nhân nào?
Có thể chia các nguyên nhân ra làm hai loại:
Thứ nhất là các nguyên nhân do ngoại cảnh. Thời tiết nóng bức mà chúng ta lại ủ trẻ quá kỹ, cho mặc quần áo không thoáng mát, trẻ không được mát mẻ thoải mái có thể đâm ra biếng ăn. Hoặc do có sự nuông chiều của các bậc cha mẹ. Nhiều trẻ biếng ăn chỉ vì cha mẹ chiều con quá, cứ cho ăn quà vặt luôn miệng, đến bữa ăn chính trẻ đầy bụng không thể nào nữa. Hay cha mẹ thương con quá, suốt ngày ẵm bé, không cho chúng hoạt động tiêu hao năng lượng nên trẻ không thấy thèm ăn. Trẻ chỉ ăn ngon miệng khi có sự vận động thích hợp.
Thứ hai là nguyên nhân chủ quan xuất phát từ trẻ. Đây là nguyên nhân chủ quan rất quan trọng. Trước tiên phải kể là cháu bị bệnh, có rất nhiều bệnh, từ nhẹ đến cảm cúm, viêm tai, viêm họng, lở miệng đến nặng như: sơ nhiễm lao, thiếu máu, thời kỳ ủ bệnh của một bệnh nhiễm khuẩn… có thể làm cho trẻ biếng ăn. Đương nhiên, nếu bị bệnh phải chữa hết bệnh mới khắc phục chứngbiếng ăn. Kế tiếp nữa, trẻ biếng ăn có thể do chức năng tiêu hóa kém. Hiện tượng biếng ăn này có thể gặp ở thuộc lứa tuổi ăn dặm, hệ men tiêu hóa của trẻ kém, chưa được đầy đủ để giúp tiêu hóa tốt, thức ăn làm trẻ khó tiêu, đầy bụng sinh ra biếng ăn.
Nhiều trẻ biếng ăn chỉ vì cha mẹ chiều con quá, cứ cho ăn quà vặt luôn miệng
Nhưng nguyên nhân thường hay gặp làm cho trẻ biếng ăn chính là nguyên nhân tâm lý, có thể kể:
- Cha mẹ cho trẻ ăn thức ăn không hợp khẩu vị, không theo sở thích của trẻ. Trẻ biếng ăn chỉ vì không thích mùi vị hoặc ăn mãi thức ăn mà ta cho là bổ dưỡng có thể sinh chán ăn.
- Cha mẹ áp đặt một chế độ ăn uống quá nghiêm ngặt, khi ăn cứ bắt trẻ vào khuôn mẫu như: không được làm đổ, làm rớt thức ăn dơ quần áo, không được bỏ mứa… Xin lưu ý, trẻ ở lứa tuổi 2 - 4 thường có tâm lý phản kháng, sẽ không thèm ăn khi cha mẹ cứ luôn ép ăn hoặc bắt chúng vào khuôn mẫu.
Dùng thuốc gì?
Khi trẻ biếng ăn, nhiều bậc cha mẹ thường nghĩ đến sử dụng thuốc để giúp trẻ thèm ăn, ăn nhiều hơn. Một số thuốc có thể dùng cho trẻ, bên cạnh việc cải thiện các nguyên nhân gây ra biếng ăn đã kể ở trên, như sau:
Thuốc chứa các loại vitamin và khoáng chất: đây là thuốc có thể dùng cho trẻ nhằm bổ sung các loại vitamin và chất khoáng giúp chuyển hóa tốt các chất dinh dưỡng. Đặc biệt thuốc này có chứa thêm lysin là một acid amin (biệt dược: Nutroplex), hay thuốc chỉ chứa dibencozid là một dẫn chất của vitamin B12 (biệt dược: Cobanzyme), được xem có tác dụng kích thích sự thèm ăn.
Thuốc chứa các loại men tiêu hóa: trẻ biếng ăn có thể do thiếu men tiêu hóa, đặc biệt ở trẻ lứa tuổi ăn dặm. Dùng thuốc loại này, các loại men tiêu hóa có trong thuốc như amylase (tiêu hóa chất đường bột), lipase (tiêu hóa mỡ), protease (tiêu hóa chất đạm) sẽ giúp trẻ tiêu hóa tốt, trẻ sẽ chóng đói và thèm ăn khi đến bữa. Đặc biệt, có loại thuốc nhỏ giọt và thêm vitamin nhóm B như thuốc Neopeptin khá thích hợp cho trẻ nhỏ.
Hai loại thuốc kể trên, các bậc cha mẹ có thể dùng cho trẻ thử xem có cải thiện được tình trạng biếng ăn ở trẻ. Việc sử dụng thuốc có thể hỏi dược sĩ ở nhà thuốc để được hướng dẫn.
Có một loại thuốc gọi là thuốc kích thích sự thèm ăn được dùng ở người lớn và cả trẻ con nhưng đòi hỏi phải có sự thận trọng đúng mực khi dùng trước đây, nay thì không nên dùng, đó là thuốc cyproheptadin (tên biệt dược: Peritol, Periactol, Periactin). Đây thật ra là thuốc kháng histamin chống dị ứng nhưng lại có thêm tác dụng kích thích sự thèm ăn tạm thời và có nhiều tác dụng phụ. Ta nên ghi nhớ: thuốc cyproheptadin không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ em dưới 2 tuổi tránh dùng cyproheptadin vì ngoài tác dụng kháng histamine chống dị ứng có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương gây tình trạng ngầy ngật trong thời gian dài, thuốc còn có tác dụng kháng tiết cholin gây khô miệng, táo bón, nhìn mờ, khó tiểu tiện… Đối với trẻ lớn hơn có thể tạm dùng nhưng chỉ dùng tạm thời. Không được dùng kéo dài vì thuốc có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, thể hiện ở chỗ là thuốc làm cho buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, nếu dùng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Tác dụng gây thèm ăn của cyproheptadin chỉ xuất hiện trong thời gian dùng thuốc. Một khi ngừng thuốc có thể trẻ bị tác dụng ngược lại là ăn mất ngon và sụt cân trở lại. Thuốc cyproheptadin ngày nay cả thế giới không còn dùng để trị chứng chán ăn nữa (chỉ dùng trị rối loạn dị ứng).
Coi chừng thuốc có hại!
Đặc biệt có thuốc có tác dụng “làm cho ăn được, ngủ được, làm cho mập ra” nhưng tuyệt đối không dùng cho trẻ biếng ăn, đó là thuốc corticoid. Đây là nhóm thuốc có tên glucocorticoid nhưng thường gọi tắt là corticoid, gồm có dexamethason (thường gọi nôm na là “đề xa” hay thuốc “hột dưa”), prednison, prednisolon… Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc rất quý dùng để chống viêm, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, các bệnh dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận, chứ không bao giờ được sử dụng thuốc trị biếng ăn, làm cho mập. Riêng đối với trẻ con, corticoid dùng bừa bãi có thể gây ra các tổn thương rất có hại và không hồi phục. Gần đây, các bà mẹ ở Hải Phòng truyền nhau mua thuốc corticoid để kích thích cho con thèm ăn, mau lớn; đây là việc làm hết sức tai hại cho trẻ.
Tóm lại, trẻ biếng ăn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Thông thường là nguyên nhân tâm lý, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải biết cách đối xử phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ. Nếu có sự nghi ngờ, ta nên đưa trẻ đi khám để xem trẻ có bị bệnh gì không, đặc biệt là bệnh tiềm ẩn. Nếu muốn dùng thuốc gọi là trị biếng ăn nên lưu ý thuốc chỉ có tính phụ trợ tạm thời. Có thể dùng thuốc là các loại vitamin, chất khoáng là các men tiêu hóa. Cảnh giác không dùng thuốc kích thích sự thèm ăn là cyproheptadin, cũng như tuyệt đối không dùng thuốc corticoid để giúp trẻ thèm ăn mau lớn.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC- Theo SK&ĐS
|