Gần 34 triệu người dân nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL - chiếm 60% dân số toàn vùng) hiện đang sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh; 4 triệu người khác có hành vi phóng uế trực tiếp ra môi trường. Đó là những thông tin do PGS.TS. Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế cung cấp tại Hội thảo tham vấn nghiên cứu và thúc đẩy vệ sinh nông thôn khu vực ĐBSCL do Ngân hàng Thế giới và Bộ Y tế phối hợp vừa tổ chức tại Cần Thơ...
50% người dân nông thôn ĐBSCL sử dụng cầu tiêu ao cá
Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, hàng triệu trẻ em vùng ĐBSCL bị thấp còi, kém trí tuệ do sống trong điều kiện vệ sinh kém; mỗi năm, Nhà nước tổn thất 1 tỷ USD cho vệ sinh môi trường. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, 50% người dân nông thôn ĐBSCL sử dụng cầu tiêu ao cá, tận dụng nguồn này để nuôi cá tra; 48% hộ gia đình nghèo dùng chung nhà vệ sinh. Dân cư khu vực này lại có thói quen sử dụng nước trực tiếp không qua đun chín nấu sôi; trẻ em thường xuyên tiếp xúc với môi trường ao hồ, sông nước. Đây chính là nguyên nhân khiến dịch tay chân miệng tái đi tái lại trong vùng; dịch tiêu chảy cũng luôn rình rập, đe dọa sức khỏe trẻ em. Đỉnh điểm là 300.000 ca tiêu chảy trong năm 2010.
Điều kiện vệ sinh môi trường kém, nguy cơ mắc nhiều dịch bệnh.
Ngoài ra, xuất khẩu cá tra của vùng cũng bị ảnh hưởng do rộ lên thông tin cá tra Việt Nam được nuôi bằng phân người trực tiếp thải xuống ao trong khi thực tế, nguồn cá tra xuất khẩu được nuôi trong môi trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bà Lene Jensen - Chuyên gia Chương trình Nước và Vệ sinh, Ngân hàng Thế giới cho rằng, để thực hiện được cam kết của Chính phủ Việt Nam với Liên hợp quốc, sẽ xóa bỏ tình trạng phóng uế bừa bãi, 100% người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh vào năm 2025, các nhà chính sách phải phối hợp chặt chẽ với truyền thông để tuyên truyền, thay đổi hành vi, thói quen cho người dân nông thôn. Ngân hàng Thế giới sẽ chung tay hỗ trợ người nghèo xây nhà vệ sinh hợp chuẩn. Bên cạnh đó, xây dựng các hình thức xử phạt đủ để răn đe những người có hành vi phóng uế bừa bãi ra môi trường cũng là việc cần làm ngay.
Đến cuối năm 2013, tỷ lệ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt khoảng 60%. Tuy nhiên, tỷ lệ này chênh lệch theo các vùng miền. Khu vực miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL có tỷ lệ người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, đặc biệt, tình trạng cầu tiêu ao cá còn phổ biến ở ĐBSCL. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như: tiêu chảy, tả...
Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường
Trước đó, tại hội thảo “Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tiêu chảy cấp” do Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế tổ chức cách đây không lâu, ông Đỗ Mạnh Cường - Đại diện Cục Quản lý môi trường Y tế cho biết điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân kém là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu chảy cấp phát sinh trong cộng đồng do 3 yếu tố gồm tác nhân gây tiêu chảy cấp, thực phẩm ô nhiễm và người dùng thực phẩm bị ô nhiễm. Để ngừa bệnh, cần kết hợp vệ sinh môi trường nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, thực phẩm không bị nhiễm khuẩn thì khi người ăn uống vào sẽ không bị nhiễm bệnh.
Theo TS. Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tiêu chảy cấp có liên quan trực tiếp tới thói quen sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo vệ sinh của người dân.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân để phòng chống tiêu chảy cấp. Đồng thời, kiểm soát việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng như giám sát, phát hiện sớm nguy cơ gây bệnh để kịp thời xử lý.
Trong năm nay, cả nước ghi nhận 3 ca tử vong do tiêu chảy cấp ở Thanh Hóa (1 ca) và TP.HCM (2 ca). Tại ổ dịch thuộc xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), hầu hết là dân di cư tự do xây dựng nhà tạm và đều sử dụng cầu tiêu trên ao nuôi cá thải trực tiếp. Mặt khác, do không có hộ khẩu, không có nước sạch nên những hộ gia đình này phải dùng nước mưa, mua lại nước sạch của các hộ khác với giá cao dẫn tới việc tận dụng nước ao hồ để sinh hoạt. Đây cũng là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp. Trong khi đó, tại xã Vĩnh Lộ A, vệ sinh môi trường dù khả quan hơn nhưng nguồn nước giếng người dân sử dụng vẫn bị ô nhiễm.
Hà Thanh- SK&ĐS
|