Chiều ngày 3/11, Viện Pasteur TP.HCM đã công bố kết quả nghiên cứu hiệu quả vắc xin ngừa sốt xuất huyết (SXH) sau giai đoạn thử nghiệm III tại Việt Nam và châu Á. Kết quả lần đầu tiên một vắc xin SXH cho thấy hiệu quả phòng ngừa SXH và SXH Dengue tại châu Á đã giúp ngừa được 56,5% ca sốt xuất huyết có triệu chứng, giảm được 88,5% ca SXH thể nặng và làm giảm 67% nguy cơ nhập viện do bệnh này. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế đã chúc mừng thành công của nghiên cứu và cho biết đây là một thành tựu y tế đáng trân trọng, vắc xin SXH ra đời sẽ giúp việc phòng chống SXH đạt hiệu quả triệt để hơn.
Bao nhiêu năm loay hoay phòng chống sốt xuất huyết
Theo số liệu báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM, mỗi năm, trên thế giới, ước tính có 50 triệu người nhiễm sốt xuất huyết dengue, với khoảng 500.000 người mắc bệnh cần nhập viện và 25.000 người tử vong. Dù cả thế giới tích cực phòng chống dịch thông qua các chương trình kiểm soát véc tơ (muỗi), nhưng số ca sốt xuất huyết vẫn tăng gấp đôi sau mỗi thập kỷ và lan rộng nhiều quốc gia hơn.
Ở Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh lưu hành rất phổ biến. Bệnh xuất hiện cả ở 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Tuy nhiên bệnh ghi nhận nhiều nhất ở các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, một số tỉnh đồng bằng và duyên hải Bắc bộ. Các tỉnh miền núi phía Bắc bệnh ít gặp hơn.
Hàng năm Việt Nam ghi nhận trung bình từ 80.000 đến 100.000 trường hợp mắc, trong đó có hàng chục ca tử vong. Những khu vực đông dân cư có tập quán chứa nước sạch ở nhiều loại dụng cụ, nơi công trường xây dựng, khu vực đang đô thị hóa, nơi có nhiều đồ vật phế thải chứa nước mưa là những nơi rất thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue bùng phát. Theo PGS.TS.BS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bao nhiêu năm Việt Nam và cả thế giới cứ phải loay hoay trong việc phòng chống sốt xuất huyết. Nhưng hiện SXH vẫn là căn bệnh nguy hiểm chưa có thuốc đặc trị, các biện pháp phòng chống lây truyền qua véc-tơ gây bệnh (diệt muỗi, lăng quăng) hay vệ sinh môi trường cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Một vắc-xin đầu tiên chứng minh được tính hiệu quả và an toàn
Năm 2011, Sanofi Pasteur đã đưa vắc - xin ngừa sốt xuất huyết dengue vào thử nghiệmgiai đoạn III nhằm xác định hiệu quả ngừa bệnh sốt xuất huyết của vắc xin. Đây là nghiên cứu đa trung tâm, mù quan sát, có đối chứng trên 10.275 trẻ em từ 2 đến 14 tuổi, sống ở 5 quốc gia lưu hành dịch sốt xuất huyết bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.Tại Việt Nam, nghiên cứu do Viện Pasteur TP.HCM thực hiện tại TP Long Xuyên và TP Mỹ Tho, với 2.336 trẻ tham gia nghiên cứu, bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2011. Trẻ tham gia nghiên cứu được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm tiêm vắc - xin sốt xuất huyết hoặc tiêm giả dược, với 3 mũi tiêm cách nhau mỗi 6 tháng.
PGS.TS.Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu hiệu quả của vắc-xin SXH tại Việt Nam, cho biết sau 3 mũi tiêm, nghiên cứu đã tiến hành theo dõi thêm 13 tháng để đánh giá hiệu quả vắc xin thông qua so sánh số ca sốt xuất huyết do bất kỳ týp vi rút dengue giữa 2 nhóm tiêm vắc xin/giả dược. Kết quả chung của cả 5 quốc gia cho thấy vắc xin sốt xuất huyết đã giúp ngừa được 56,5% ca sốt xuất huyết có triệu chứng, gây ra do bất kỳ týp virút dengue. Vắc xin làm giảm được 88,5% ca sốt xuất huyết thể nặng dựa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và làm giảm 67% nguy cơ nhập viện.
Qua 25 tháng theo dõi đầu tiên, kết quả phân tích tính an toàn giữa 2 nhóm tiêm vắc xin và giả dược là tương đương nhau. Kết quả này tương tự như kết quả của các nghiên cứu giai đoạn I, II & IIB trước đây. Tính an toàn của vắc xin trong nghiên cứu này sẽ tiếp tục được theo dõi đến năm 2017.
Kết quả nghiên cứu đã đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phòng chống sốt xuất huyết dengue trên thế giới vì lần đầu tiên nhân loại đã phát minh ra vắc xin ngừa được bệnh sốt xuất huyết dengue và chứng minh được rằng bệnh sốt xuất huyết dengue hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin.
"Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn mong muốn có vắc-xin phòng bệnh cho người dân. Vì vậy, nghiên cứu này không phải là của một quốc gia mà là nghiên cứu đa quốc gia. Việc nghiên cứu thử nghiệm tuân thủ chặt chẽ các quy định của quốc tế và pháp luật Việt Nam. Nhìn chung, chúng ta đang tiến dần đến việc cho ra đời vắc-xin phòng bệnh SXH. Việc ra đời một loại vắc-xin ngừa bệnh SXH Dengue kết hợp với các biện pháp dự phòng và quản lý nguồn lây sẽ giúp cho cuộc chiến đấu chống lại SXH có hiệu quả triệt để hơn, giúp mang lại những lợi ích to lớn cho ngành y tế và để bảo vệ trẻ em an toàn, khỏe mạnh”, PGS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Về kết quả này, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến đã chúc mừng thành công của nghiên cứu và cho biết: “Đây là một thành tựu y tế đáng trân trọng. Việc ra đời của một vắc xin ngừa bệnh SXH Dengue kết hợp với các biệp pháp dự phòng và quản lý nguồn lây sẽ giúp cho cuộc chiến đấu chống lại SXH có hiệu quả triệt để hơn. Giúp mang lại những lợi ích to lớn cho ngành y tế nói riêng và tình hình kinh tế - xã hội nói chung”.
NGUYỄN HUYỀN-Theo SK&ĐS
|